Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Kế hoạch 39/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 50-KH/TU thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 39/KH-UBND
Ngày ban hành 09/03/2023
Ngày có hiệu lực 09/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/KH-UBND

Bình Định, ngày 09 tháng 03 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 50-KH/TU NGÀY 16/12/2022 CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 10/02/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Căn cứ Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 16/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai và cụ thể những nội dung Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 16/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân để đưa chủ trương của Đảng về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng vào cuộc sống.

2. Yêu cầu

Việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, địa phương đảm bảo tính chủ động phối hợp, triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách, cơ chế gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1 Mục tiêu tổng quát

Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tài nguyên địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu GIS về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của tỉnh.

- Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản việc quy hoạch khoáng sản và khoanh định các điểm khoáng sản có triển vọng gắn với quy hoạch để tổ chức đấu giá, cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu trong tỉnh, các địa phương khác trên cả nước và phục vụ xuất khẩu.

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến giai đoạn 2021 - 2025 là 3-4%, đến năm 2030 là 2-3%; chiếm khoảng 2% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

- Phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000 trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác.

- Phân tích chi phí - lợi ích của các chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường hướng đến giảm thiểu khai thác tài nguyên, hạn chế sử dụng nguồn lực tài nguyên khoáng sản để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 16/12/2022 của Tỉnh ủy đến các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất, khoáng sản dưới mọi hình thức (các hội nghị, hội thảo, báo, đài, truyền thông, mạng xã hội... các hình thức phù hợp khác) nhằm thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản; vị trí, vai trò của ngành địa chất và công nghiệp khai khoáng.

- Nâng cao vai trò công tác tham mưu, tổ chức thực hiện tốt việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và văn bản, quy định của UBND tỉnh. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy định, cơ chế chính sách có liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh góp phần thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về định hướng chiến lược địa chất khoáng sản, cụ thể hóa các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành theo phân cấp.

- Rà soát, đánh giá, bổ sung Phương án thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 100% diện tích toàn tỉnh đến năm 2045.

- Đề xuất nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị đối với các cơ sở sản xuất cũ; dừng sản xuất đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa đảm bảo an toàn và gây ô nhiễm môi trường. Sắp xếp lại các cơ sở chế biến khoáng sản có quy mô nhỏ, nhất là các cơ sở chế biến đá làm vật liệu xây dựng.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu GIS trong việc thực hiện quản lý hoạt động khoáng sản; thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý đối với việc kê khai, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

- Tổ chức kiểm tra, đối chiếu sản lượng khai thác thực tế và sản lượng kê khai nộp thuế; truy thu các loại thuế, phí và các khoản nợ thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các doanh nghiệp kê khai thiếu trung thực, gian lận trong kê khai nộp thuế; tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu việc sử dụng đất tại các khu vực khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ nhằm khai thác phát huy các giá trị, tiềm năng về đất đai.

[...]