Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 235/KH-UBND
Ngày ban hành 30/10/2024
Ngày có hiệu lực 30/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Dương Tấn Hiển
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH HẠ TẦNG THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 1650/BTTTT-VCL ngày 01 tháng 5 năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn triển khai Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông thành phố trở thành một chỉnh thể thống nhất, hình thành trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của thành phố theo quy định;

b) Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trở thành hạ tầng cho chuyển đổi số thành phố, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thông, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố;

c) Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ, sử dụng chung, tích hợp quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, kế thừa hợp lý hạ tầng thông tin và truyền thông đã được đầu tư phát triển, gắn kết chặt chẽ với các hạ tầng kinh tế - xã hội vật lý và tạo ra các thực thể số tương ứng trên không gian số.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hạ tầng bưu chính: chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số; phát triển ngành bưu chính trở thành trung tâm bưu chính vùng, hình thành trung tâm logistics cho thương mại điện tử. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn vẹn, không đứt gãy trong mọi trường hợp khẩn cấp;

b) Hạ tầng số: phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng công nghệ hiện đại, hội tụ, băng thông rộng, tốc độ cao, tăng cường dùng chung hạ tầng, ngầm hóa mạng viễn thông; phát triển hạ tầng viễn thông thành phố trở thành Trung tâm kết nối viễn thông quan trọng của cả vùng; nhanh chóng đưa mạng thông tin di động 5G phủ sóng toàn thành phố; tiến tới phủ sóng 6G tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và nâng cấp các tuyến truyền dẫn liên tỉnh, nội tỉnh đảm bảo nhu cầu phát triển các dịch vụ băng rộng và đô thị thông minh, kết nối Internet vạn vật (IOT). Hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier-3 kết nối các trung tâm dữ liệu vùng và toàn quốc theo công nghệ điện toán đám mây, đủ sức phục vụ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long;

c) Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin: ưu tiên đầu tư phát triển các nền tảng số, chuyển đổi số đồng bộ trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, ứng dụng công nghệ số mới vào cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh;

d) Hạ tầng an toàn thông tin mạng, an ninh mạng: tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng cho Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, xem đây là điều kiện tiên quyết nhằm góp phần tăng cường niềm tin của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; gắn kết, song hành với hoạt động chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình thiết kế, thử nghiệm, đánh giá, vận hành và khai thác;

đ) Công nghiệp công nghệ thông tin: tập trung mọi nguồn tin để sớm hoàn thành và đưa Khu công nghệ thông tin tập trung Cần Thơ vào khai thác, xem đây là trung tâm ươm tạo, dẫn dắt, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn có công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật,... đầu tư vào khu, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu đạt được vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội để hình thành nền công nghiệp công nghệ số của thành phố.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

1. Mạng bưu chính

a) Mạng bưu chính công cộng

- Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; doanh nghiệp bưu chính phát triển theo hướng thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; thúc đẩy phát triển Chính quyền số, xã hội số;

- Hạ tầng mạng lưới: 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 100% số điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet; bán kính phục vụ bình quân của mạng bưu chính công cộng tối đa 1,3 km/điểm phục vụ;

- Hạ tầng dữ liệu: 100% số doanh nghiệp bưu chính thực hiện báo cáo trực tuyến. Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bưu chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành bưu chính phục vụ cho việc điều hành phát triển lĩnh vực và hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu;

- Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính công ích của người dân: mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính công ích; trong đó, tập trung mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính phổ cập. 100% số điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến;

- Kêu gọi đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm bưu chính vùng (Hub) với quy mô 20 ha tại quận Bình Thủy; kết nối với mạng lưới Trung tâm Bưu chính khu vực, quốc gia; chú trọng thúc đẩy, định hướng chia sẻ hạ tầng bưu chính công cộng giữa các doanh nghiệp bưu chính. Trung tâm Bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.

b) Mạng bưu chính KT1

- Ưu tiên phát triển mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1) đáp ứng yêu cầu, đảm bảo kịp thời an toàn tuyệt đối;

- Phát triển mạng bưu chính KT1 theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hóa mạng bưu chính KT1, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh, bảo vệ bí mật nhà nước phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

2. Hạ tầng số

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ