Kế hoạch 2339/KH-UBND năm 2021 về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 2339/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2021
Ngày có hiệu lực 08/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Ngọc Sâm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2339/KH-UBND

Kon Tum, ngày 08 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM 2022 - 2024 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện Công văn số 1933/BTNMT-KHTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020 VÀ NĂM 2021

I. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương năm 2020 và năm 2021

1. Đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường:

a. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT):

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các ngành tham mưu ban hành nhiều văn bản phục vụ kịp thời một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BVMT, cụ thể: Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 Nghị quyết; ban hành 04 Quyết định và 04 Kế hoạch mang tầm chiến lược (Phụ lục 1 - kèm theo).

b. Lồng ghép BVMT vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương:

- Trên cơ sở các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được ban hành, những năm qua, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tham mưu, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế ngành, địa phương trong đó gắn kết chặt chẽ các yêu cầu BVMT, bảo vệ đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên vào quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cụ thể: Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được triển khai thực hiện theo Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 8 năm 2016 và Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2016.

- Hiện đã có 63 quy hoạch thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT, chiếm 39,4% tổng số quy hoạch do cấp tỉnh quản lý. Trong đó có 11 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; 42 quy hoạch ngành, lĩnh vực và 10 quy hoạch sử dụng đất.

- Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh là một nội dung của Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c. Công tác thi hành và tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường:

- Về hồ sơ môi trường: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt 31 Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 03 Giấy xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, 04 Bản đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã xác nhận 128 kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án đầu tư.

- Về quản lý chất thải nguy hại: Luỹ kế đến thời điểm báo cáo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp được 134 Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại cho các đối tượng là các cơ sở, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 130,64 tấn/năm, khối lượng chất thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng 127,38 tấn/năm đạt tỷ lệ 97,5%. 100% chất thải rắn y tế phát sinh sẽ được thu gom và đưa về xử lý tại các cụm(1).

- Công tác cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu: Qua rà soát, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Kon Tum không có đơn vị nào được cấp phép nhậu khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

- Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường: Toàn tỉnh hiện có 51 điểm quan trắc môi trường cố định(2); Quan trắc nước thải tự động, liên tục có 19/20(3) cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải công nghiệp đang hoạt động đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải công nghiệp tự động liên tục, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát.

- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: tỉnh Kon Tum hiện không còn cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng thuộc Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 và 807/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ còn 01 cơ sở(4) và các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích mới phát sinh (sau năm 2013) trên địa bàn tỉnh Kon Tum gồm 04 cơ sở, chủ yếu là các bãi rác trên địa bàn các huyện(5).

- Về công tác thu phí BVMT đối với nước thải; Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường (CTPHMT) trong khai thác khoáng sản: Tổng số thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp là 483.029.945 đồng, lũy kế số thu đến thời điểm báo cáo là 2.489.124.945 đồng; Tổng số thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt được Ủy ban nhân dân các huyện và đơn vị cung cấp nước sạch thu được là 504.862.346 đồng; Số tiền ký quỹ CTPHMT trong khai thác khoáng sản là 20.878.732.202 đồng. Việc quản lý các khoản thu phí, ký quỹ đều được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bảo vệ môi trường: Thông qua đường dây nóng, trong năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 04 kiến nghị của người dân và 07 phản ánh kiến nghị của báo chí(6). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý và tổng hợp báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường: Trong giai đoạn 2020-2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động thanh tra, kiểm tra chỉ mới cơ bản đảm bảo theo Kế hoạch chung của tỉnh. Ngoài ra, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 03 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chánh Thanh tra Sở theo thẩm quyền, ban hành 04 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 tổ chức về lĩnh vực môi trường với số tiền 171.000.000 đồng và yêu cầu đối tượng thanh tra, kiểm tra xử lý, khắc phục, tuân thủ quy định pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đối với cấp huyện, cũng đã phối hợp tốt với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường để kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; chủ động tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm về môi trường. Chỉ đạo Đoàn kiểm tra tại Quyết định số 501/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum kiểm tra, đã phát hiện xử lý 07 vụ việc khai thác cát, sỏi, đất trái pháp luật với tổng số tiền xử phạt là 81.000.000 đồng, trong đó: Thành phố Kon Tum 02 vụ, số tiền 50.000.000 đồng; huyện Đăk Tô 01 vụ, số tiền 25.000.000 đồng; huyện Ngọc Hồi 02 vụ, với số tiền 4.000.000 đồng (xã xử phạt); huyện Kon Rẫy 02 vụ, với số tiền 2.000.000 đồng (xã xử phạt).

- Về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn: Tổng khối lượng chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh ước tính phát sinh năm 2020 khoảng 360,63 tấn/ngày (Trong đó, 179,5 tấn CTR sinh hoạt đô thị và 181,13 tấn CTR sinh hoạt nông thôn). Tỷ lệ thu gom rác tại khu vực đô thị khoảng 85% (tương đương với 152,575 tấn/ngày) và khu vực nông thôn 50% (tương đương với 90,565 tấn/ngày). Khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.

d. Về tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT: Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền công tác BVMT. Cùng với đó là các chương trình, sự kiện môi trường hằng năm được luân phiên tổ chức(7), thực hiện các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng(8), ngoài ra Website của các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố đăng tải mỗi tháng phản ánh về công tác BVMT trên địa bàn đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của xã hội trong công tác BVMT.

đ. Về rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường, ưu tiên cấp huyện, xã: Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến huyện, xã theo hướng nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng, kiến thức quản lý bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Tình hình triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KT-XH (Chỉ thị số 25/CT-TTg, 27/CT-TTg; Nghị quyết số 08/NQ-CP, 35/NQ-CP; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...):

[...]