Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2023 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (2024-2026) từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 167/KH-UBND
Ngày ban hành 25/07/2023
Ngày có hiệu lực 25/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 25 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM (2024 - 2026) TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm.

Thực hiện Văn bản số 4431/BTNMT-KHTC ngày 16/6/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (2024-2026) từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trân trọng báo cáo Kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (2024 - 2026) từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN  KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2022 VÀ NĂM 2023

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương năm 2022 và năm 2023

1.1. Thực trạng công tác quản lý môi trường, ứng phó với BĐKH

a) Công tác thi hành và tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường

Tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, công cụ, biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường

- Công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường được tăng cường, kiểm soát ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ. Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 19 hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường; 16 Giấy phép môi trường. Không chấp thuận dự án có loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

+ Cấp tỉnh: Trong năm 2022, đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 11 Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 06 giấy phép môi trường; năm 2023, đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 08 Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 06 giấy phép môi trường.

+ Cấp huyện: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đã thực hiện thẩm định, cấp được 04 giấy phép môi trường.

- Công tác kiểm soát ô nhiễm đã được tăng cường triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm cao trên địa bàn tỉnh như cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản (nhất là quặng sắt, chì kẽm,...), chế biến nông lâm nghiệp (chế biến tinh bột sắn, giấy,...), sản xuất xi măng, sản xuất thép, chăn nuôi tập trung,... và phân loại mức độ, nguy cơ gây tác động đến môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để thực hiện biện pháp quản lý phù hợp với từng loại hình; thường xuyên giám sát những cơ sở có nguồn thải lớn và các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đôn đốc, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục, đến nay đã có 04 đơn vị[1] lắp đặt và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, quản lý số liệu theo quy định.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhất là các khu, cụm công nghiệp, khu vực khai thác, chế biến khoáng sản. Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm được đổi mới, hiệu quả nhất là trong việc tiếp nhận thông tin từ Nhân dân, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường đã kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra về lĩnh vực môi trường, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp (vụ việc) vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, với số tiền là 5.765.000.000 đồng, nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Xây dựng hệ thống quan trắc, thực hiện các chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về môi trường

- Chương trình quan trắc môi trường định kỳ: Hằng năm thực hiện 02 đợt quan trắc, lấy mẫu phân tích các thành phần môi trường (đất, nước, không khí) theo mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh để có cơ sở, dữ liệu đánh giá diễn biến môi trường, đồng thời tạo hệ thống dữ liệu môi trường nền có tính liên tục.

- Mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục: Do điều kiện khó khăn về nguồn lực tài chính, tỉnh Tuyên Quang chưa đầu tư, xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục để kiểm soát chất lượng không khí, nước mặt trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát môi trường các khu vực tập trung nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề) và cải thiện môi trường nông thôn

- Hiện nay, trên địa tỉnh Tuyên Quang có 02 khu công nghiệp, 06 cụm công nghiệp đang hoạt động; các khu, cụm công nghiệp bước đầu được đầu tư về hạ tầng đường giao thông, rãnh thoát nước, cây xanh và có 01 khu công nghiệp, 02 cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung). Việc kiểm soát môi trường tại các khu, cụm công nghiệp được tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án, cơ sở trong khu, cụm công nghiệp thực hiện công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Về cơ bản, Chủ dự án/cơ sở trong khu, cụm công nghiệp đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung hồ sơ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ bản đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Trên địa bàn tỉnh có 08 làng nghề được công nhận thuộc loại hình sản xuất trồng và chế biến chè xanh... Việc sản xuất trong làng nghề mang tính tự phát, quy mô nhỏ, rải rác tại các hộ gia đình, một số làng nghề không sản xuất nguyên liệu đầu vào mà chỉ chế biến từ sản phẩm thứ cấp. Vì vậy, môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh còn tương đối tốt, chưa bị ô nhiễm

- Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 63,9% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 16,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; trên 65% số hộ dân nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; triển khai mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện với công nghệ phù hợp; trên 35% số hộ dân nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; trên 90% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Lồng ghép bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương

- Lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó trọng tâm xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh và tiến tới nhân rộng đến các huyện trong tỉnh, đảm bảo khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống bền vững cho người dân. Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái trong quy hoạch, phát triển du lịch của tỉnh.

- Các mục tiêu ứng về phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được lồng ghép vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023.

c) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành tham mưu ban hành các văn bản để kịp thời triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể: Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 01 Nghị quyết[2]; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: 04 Quyết định[3], 02 Kế hoạch[4].

[...]