Kế hoạch 5481/KH-UBND năm 2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 5481/KH-UBND
Ngày ban hành 20/08/2021
Ngày có hiệu lực 20/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5481/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 20 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM 2022 - 2024 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG CỦA TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Công văn số 1933/BTNMT-KHTC ngày 27/4/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND tỉnh báo cáo các nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN NĂM 2020 VÀ NĂM 2021

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 và năm 2021

a) Thực trạng công tác quản lý môi trường

- Tỉnh Quảng Nam luôn coi BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung giai đoạn 2020 - 2030 và ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, xử lý rác thải, quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, các nguồn thải, năng lượng, chất lượng môi trường nước lưu vực sông, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng dẫn công tác thu gom, xử lý, BVMT trước tình hình diễn biến dịch bệnh tả lợn Châu Phi, dịch bệnh Covid-19... trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác BVMT kịp thời, hiệu quả; lồng ghép BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương, đặc biệt bổ sung nhiều chủ trương, giải pháp về BVMT vào văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tổ chức tổng kết, đánh giá về kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, Chương trình hành động[1] thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU .

(Chi tiết tại Phụ lục I)

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT không được thực hiện xuyên suốt như các năm qua; hoạt động hưởng ứng các ngày lễ môi trường trong năm (Ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới 05/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn) chủ yếu thông qua hình thức treo băng rôn, pa nô, apphich tuyên truyền về chủ đề môi trường trên các tuyến đường, các khu dân cư để vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa và tự giác BVMT; tiếp tục triển khai chương trình liên tịch giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với các ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội; lồng ghép tuyên truyền về trách nhiệm BVMT với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Các đơn vị Đài, Báo, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện, xã; Website, Bản tin ngành Tài nguyên và Môi trường; chuyên mục phát thanh, truyền hình về tài nguyên và môi trường đã góp phần tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin, định hướng về công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. UBMTTQVN các cấp, hội, đoàn thể đã tổ chức phát động, thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình, phong trào BVMT[2] trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, hiện nay việc phát động thành lập các mô hình còn chồng chéo, nhiều ngành, đoàn thể phát động nên việc thống kê, tổng hợp, đánh giá hiệu quả hoạt động các mô hình còn bất cập.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ứng phó giải quyết các vấn đề môi trường, sự cố về môi trường phát sinh trên địa bàn.

b) Tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 25[3]/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 35[4]/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ, Quyết định số 1216[5]/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Công văn số 7283/BTNMT-TCMT ngày 23/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc báo cáo kết quả thực hiện một số Chỉ thị, Nghị quyết, Chiến lược trong lĩnh vực môi trường; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức rà soát tổng hợp và lập báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định (tại các Báo cáo: số

74/BC-STNMT ngày 04/02/2021, số 76/BC-STNMT ngày 04/02/2021, số 89/BC- STNMT ngày 24/02/2021). Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp về BVMT trên địa bàn tỉnh đến nay như sau:

* Về tăng cường năng lực quản lý BVMT:

- Tổ chức kiện toàn, ổn định bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về BVMT các cấp; phê duyệt Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và biên chế của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố; tổng số công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ BVMT trong các đơn vị quản lý hành chính nhà nước và địa phương hiện nay là

335 người (trong đó: cấp tỉnh là 63 người, cấp huyện là 36 người, cấp xã là 236[6] người).

- Thực hiện lập Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Báo cáo chuyên đề về môi trường năm 2021 về “Thực trạng và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh”.

- Chú trọng công tác BVMT, thẩm định đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ ÔNMT ngay từ khâu quyết định thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, xử phạt các đối tượng vi phạm, kịp thời giải quyết theo đơn kiến nghị, phản ảnh của các tổ chức, người dân...

- Công tác BVMT, đầu tư hạ tầng công trình trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN):

+ Đối với KCN: hiện có 06/07 KCN đi vào hoạt động có hồ sơ môi trường và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải (XLNT) tập trung (đạt tỷ lệ 85,71%), 04[7]/07 KCN được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT (đạt tỷ lệ 57,14%), 05[8]/07 KCN được cấp phép xả nước thải sau xử lý vào môi trường (đạt tỷ lệ 71,42%) 05/07 KCN đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online kết nối dữ liệu về Sở TN&MT. Tất cả các cơ sở hoạt động tại các KCN có phát sinh nước thải đều được yêu cầu thu gom, xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn tiếp nhận và đấu nối vào hệ thống XLNT của KCN.

+ Đối với CCN: theo quy hoạch có 93 CCN, trong đó: 54 CCN đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 65,1% và 39/54 CCN có tỷ lệ lấp đầy từ 50% trở lên (trong đó 22/54 CCN có hồ sơ về môi trường, 04/39 CCN có tỷ lệ lắp đầy trên 50% phát sinh nước thải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 10,25%). Hầu hết các cơ sở hoạt động trong CCN đều tự xử lý nước thải, nhiều cơ sở xử lý chưa đạt quy chuẩn, xả thải vượt quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường.

* Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải:

- Kiểm soát các nguồn thải, cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cao: theo kết quả rà soát, hiện có khoảng 560 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hoạt động xả thải (không bao gồm các cơ sở thực hiện đấu nối vào hệ thống XLNT của KCN, CCN). Hiện nay, có 08[9] cơ sở nằm ngoài KCN, 06[10] KCN có nguồn nước thải lớn (lưu lượng xả nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm), trong đó: 10 cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, có 03[11] cơ sở phát thải khí công nghiệp quy mô lớn; 11[12]/13 cơ sở đang hoạt động thuộc Danh mục các cơ sở sản xuất có nguy cơ ÔNMT.

- Đầu tư, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới 96 hạng mục công trình nước sạch nông thôn tập trung (ước đạt tỷ lệ 93,5%) và cấp nước sạch tổng thể khu vực đô thị đạt khoảng 78%. Kêu gọi, bố trí kinh phí đầu tư công trình trạm xử lý nước thải tập trung cho 02 thành phố: Tam Kỳ, Hội An và khu đô thị Nam thị trấn Ái Nghĩa; phê duyệt quy hoạch cho vùng Đông của tỉnh, ven biển phía Bắc thị xã Điện Bàn, đô thị Chu Lai - Núi Thành...

- Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, chất thải nguy hại (CTNH):

+ Công tác thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt: do Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Nam, Công ty Cổ phần Công trình Công cộng Hội An và các tổ chức không chuyên thu gom, vận chuyển rác thải ở khu vực miền núi. Tính đến năm 2020 có 197/241 xã, phường, thị trấn đã tổ chức thu gom CTR sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 82%), với tổng khối lượng được thu gom, xử lý 268.821 tấn (tương đương 736 tấn/ngày). Trong đó khu vực đô thị (gồm 02 thành phố và 01 thị xã) khoảng 397 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 54%); khu vực nông thôn khoảng 339 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 46%).

+ Về công tác phân loại CTR: một số địa phương đã và đang tổ chức triển khai thực hiện[13].

+ Công tác xử lý CTR: tập trung tại 03 khu xử lý tập trung[14]. Riêng xã đảo Tân Hiệp, rác thải được thu gom, xử lý tại chỗ và các huyện miền núi hình thành các bãi rác quy mô nhỏ phục vụ cho các xã vùng trung tâm của huyện.

[...]