Kế hoạch 226/KH-UBND năm 2021 về phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 226/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 226/KH-UBND

Phú Yên, ngày 29 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG NĂM 2022

Thực hiện Công văn số 3570/BTTTT-THH ngày 16/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ số, Chính quyền số và bảm đảm an toàn thông tin mạng năm 2022; UBND tỉnh Phú Yên ban hành Kế hoạch phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2021

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện một số văn bản như sau:

- Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 01/02/2021 về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2020 - 2025;

- Quyết định số 400/QĐ-UBND ngày 17/3/2021 về đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin các cơ quan hành chính tỉnh Phú Yên;

- Quyết định số 695/QĐ-UBND ngày 24/5/2021 về quy định mô hình kết nối mạng của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên;

- Quyết định số 857/QĐ-UBND ngày 28/6/2021 về mã định danh điện tử các cơ quan, đơn vị tỉnh Phú Yên;

- Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 về Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2021;

- Kế hoạch 137/KH-UBND ngày 6/8/2021 về triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh Phú Yên;

- Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 9/8/2021 về triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Phú Yên;

- Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Phú Yên về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Phú Yên đến năm 2030;

- Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 14/10/2021 của UBND tỉnh Phú Yên về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

II. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Hạ tầng kỹ thuật

- Các chỉ số về tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC (CBCC: cán bộ, công chức); tỷ lệ các cơ quan trực thuộc có LAN, kết nối Internet tốc độ cao đều đạt 100%. Triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng, phục vụ họp giao ban trực tuyến, tập trung triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Hệ thống cáp quang đã đến 100% các xã, phường, trấn trên địa bàn tỉnh. Thuê bao truy nhập Internet qua hệ thống cáp quang tới tận nhà thuê bao (FTTH) của tỉnh đạt 141.467 thuê bao, trong đó thuê bao cá nhân là 135.629; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên dân số của tỉnh đạt 48,52%.

- Trung tâm dữ liệu tỉnh (DC) đang được vận hành bởi Sở Thông tin và Truyền thông, có hệ thống lưu trữ (SAN) và sử dụng hệ thống ảo hóa Vmware. Các ứng dụng được lưu trữ và vận hành gồm: Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân tỉnh; các sub portal, trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, huyện; cơ sở dữ liệu chuyên ngành một số sở, ngành, địa phương; trục LGSP (Cục Tin học hóa tạm thời hỗ trợ tỉnh). Một số ứng dụng khác như Cổng dịch vụ công trực tuyến, Trục liên thông văn bản, thư điện tử công vụ được thuê trên hạ tầng công nghệ thông tin của nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức lắp đặt 268 camera giám sát tại 105 vị trí trọng yếu, nút giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố Tuy Hòa; cùng với hệ thống camera của người dân trên các tuyến đường, khu vực nội bộ dân cư đã giúp phát hiện, truy nóng nhiều vụ việc phạm pháp hình sự cũng như vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự địa phương.

2. Các hệ thống nền tảng

- Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) chưa được triển khai. Trước mắt, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ Phú Yên cài đặt LGSP tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh trong thời gian chờ tỉnh triển khai. Hiện nay, trục LGSP đã kết nối và vận hành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông); Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài Chính); Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Các cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin quan trọng còn lại: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (phân hệ tập trung tại Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); Nền tảng tiêm chủng COVID-19 (Bộ Y tế); Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp); Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài Chính); Liên thông TNMT-Thuế (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Hệ thống mã bưu chính Vpostcode (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) sẽ từng bước được kết nối và đưa vào khai thác.

- Các hệ thống nền tảng dùng chung toàn tỉnh: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, Cổng dịch vụ công của tỉnh (bao gồm cả dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử); Chứng thư số chuyên dùng, Cổng Thông tin điện tử, Thư điện tử công vụ, Trục liên thông văn bản tỉnh.

3. Phát triển dữ liệu

- Các sở, ngành đã tiếp nhận, triển khai các phần mềm chuyên ngành của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an. Một số cơ sở dữ liệu thuộc các lĩnh vực Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Tài nguyên mà môi trường, Thông tin và Truyền thông đã được triển khai.

- Ngành y tế đã phát triển và đưa vào sử dụng một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế phục vụ công tác quản lý điều hành chung của tỉnh và Bộ Y tế như: Cơ sở dữ liệu quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; Cơ sở dữ liệu tiêm chủng; Cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân (đang thực hiện); Cơ sở dữ liệu quản lý hành nghề y, dược, an toàn vệ sinh thực phẩm (cấp chứng chỉ hành nghề; cấp chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh lĩnh vực dược; chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng); Cơ sở dữ liệu quản lý cung ứng thuốc và kiểm soát kê đơn thuốc tại một số nhà thuốc, trạm y tế (đang thí điểm triển khai); Cơ sở dữ liệu về kết quả xét nghiệm, CSDL tiêm chủng COVID-19.

4. Các ứng dụng, dịch vụ

- Hiện tại tỉnh có 252 đơn vị thuộc các cơ quan nhà nước, mặt trận, hội, đoàn thể sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông văn bản của tỉnh và khoảng 26 đơn vị chưa sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ văn bản đi/đến của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trên môi trường mạng đạt 100%; 100% văn bản đi của các đơn vị được ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ và gửi qua Trục liên thông văn bản tỉnh. Từ ngày 01/01/2021 đến 14/10/2021, số lượng văn bản gửi, nhận trên trục: 999.735 văn bản (trong đó văn nhận: 832.813, văn bản gửi: 166.922). Về số lượng chứng thư số đang hoạt động tính đến 14/10/2021: 2.690 chứng thư số (tổ chức: 580, cá nhân: 2.110).

[...]