Kế hoạch 224/KH-UBND năm 2023 phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 224/KH-UBND
Ngày ban hành 06/12/2023
Ngày có hiệu lực 06/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 224/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

1. Thông tin chung

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc; tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 8.310,18 km2, dân số 802,1 nghìn người, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 83,91%; đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh, địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại giữa các địa bàn còn khó khăn. Tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố, với 200 xã, phường, thị trấn; có 02 cửa khẩu quốc tế (đường bộ Hữu Nghị và đường sắt Ga quốc tế Đồng Đăng), 01 cửa khẩu song phương Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lạng Sơn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, là cửa ngõ giao thương về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Hệ thống khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh bao gồm: 04 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và 200 trạm y tế tuyến xã. Ngoài ra, hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang phát triển mạnh gồm 13 phòng khám đa khoa và gần 300 phòng khám chuyên khoa.

Trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách phát triển phục hồi chức năng (PHCN). Hệ thống PHCN tại các cơ sở y tế ngày càng phát triển rộng khắp từ tuyến trung ương đến tuyến xã. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 bệnh viện chuyên khoa PHCN (Bệnh viện PHCN), 02 bệnh viện có khoa PHCN[1], 10 TTYT huyện có khoa hoặc liên khoa PHCN[2]. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm việc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, PHCN và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật (NKT), việc công tác quản lý và chăm sóc NKT đã trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên tại trạm y tế cấp xã. Chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh PHCN và năng lực cung cấp dịch vụ ngày càng được cải thiện.

2. Thực trạng công tác PHCN và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch quốc gia phát triển PHCN giai đoạn 2014 - 2020

2.1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

Từ năm 2014 đến nay, để bảo đảm công tác PHCN cho NKT và triển khai PHCN cho NKT, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, Chương trình theo từng năm và từng giai đoạn[3]. Theo đó, Sở Y tế và các cơ quan liên quan đã phát huy tốt công tác phối hợp nhằm bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch và tiến độ.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, Sở Y tế đã triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác PHCN đến các cơ sở khám chữa bệnh để làm căn cứ triển khai thực hiện tại đơn vị.

2.2. Triển khai PHCN dựa vào cộng đồng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13.880 NKT, chiếm 1,716% trên tổng dân số toàn tỉnh, trong đó: NKT dưới 16 tuổi có 101 người, NKT từ 60 tuổi trở lên có 4.353 người, khuyết tật về vận động có 5.888 người, khuyết tật nghe nói 978 người, khuyết tật nhìn có 1.218 người, khuyết tật thần kinh, tâm thần có 2.230 người, khuyết tật trí tuệ có 1.532 người và khuyết tật khác có 1.582 người. Theo mức độ khuyết tật: khuyết tật đặc biệt nặng có 3.485 người, khuyết tật nặng có 8.758 người và NKT tật nhẹ là 369 người.

Sở Y tế đã giao Bệnh viện PHCN là đơn vị đầu mối lập kế hoạch, triển khai Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng (DVCĐ) trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ năm 2014 - 2020, Bệnh viện PHCN triển khai chương trình khám sàng lọc đến 53 xã/10 huyện, với tổng số người được khám là 2.000 người và 1.050 NKT đã được cấp phát các dụng cụ trợ giúp. Tổng số NKT trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ cấp phát các dụng cụ trợ giúp là 2.834 người, chiếm 20,4% số NKT.

Đến nay, 100% các huyện triển khai hoạt động PHCN DVCĐ; đồng thời công tác PHCN DVCĐ được thực hiện tại 200/200 xã, phường, thị trấn lồng ghép với hoạt động thực hiện Tiêu chí quốc gia về y tế xã. Ngay từ đầu năm, các trạm y tế đã xây dựng kế hoạch khám, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ giúp cho NKT trên địa bàn quản lý. 100% các trạm y tế có cán bộ y tế thực hiện khám, phát hiện và phụ trách thống kê, tổng hợp quản lý, hướng dẫn PHCN cho NKT.

Công tác tuyên truyền được tổ chức lồng ghép chương trình PHCN DVCĐ với các chương trình mục tiêu y tế - dân số, từ đó tạo điều kiện cho NKT có khả năng hòa nhập với cộng đồng.

Công tác phối hợp liên ngành trong công tác quản lý và chăm sóc NKT: đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế, UBND cấp huyện thực hiện tuyên truyền, rà soát, tổ chức khám sàng lọc, PHCN và hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ giúp cho NKT trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp người dân biết cách chủ động phát hiện, phòng ngừa khuyết tật và những NKT được hưởng đầy đủ hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Công tác đào tạo, tập huấn công tác PHCN DVCĐ: đã tổ chức được 15 lớp tập huấn, với 513 học viên là nhân viên y tế tại các cơ sở y tế. 100% các trạm y tế được tập huấn về PHCN DVCĐ, qua đó giúp cán bộ y tế nâng cao năng lực, kỹ năng phát hiện sớm các dạng khuyết tật thường gặp, biết hướng dẫn NKT tại cộng đồng các kỹ thuật thích nghi, cách sử dụng các dụng cụ PHCN để NKT độc lập thực hiện trong sinh hoạt và có cơ hội hoà nhập xã hội.

Nguồn kinh phí thuộc Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã được triển khai trong giai đoạn 2014 - 2020 là 900 triệu đồng, trong đó:

Nguồn ngân sách nhà nước

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Trung ương

0

0

0

200

200

150

150

Địa phương

0

0

0

0

0

100

100

Tổng cộng

0

0

0

200

200

250

250

2.3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

Công tác quản lý, phát triển hệ thống, mạng lưới PHCN được quan tâm và triển khai rộng khắp tại các cơ sở y tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 04 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có 01 bệnh viện chuyên khoa PHCN với quy mô 108 giường bệnh và 02 bệnh viện có khoa PHCN[4]; 10 TTYT huyện có khoa hoặc liên khoa PHCN. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm việc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, PHCN và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT, công tác quản lý và chăm sóc NKT đã trở thành những nhiệm vụ thường xuyên tại các trạm y tế.

Căn cứ tình hình thực tế về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị vật tư các cơ sở y tế đã triển khai các dịch vụ kỹ thuật về PHCN theo quy định tại Thông tư số 24/2021/TT-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ sở PHCN:

- Tại Bệnh viện PHCN: tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN theo phân tuyến được phê duyệt/tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN đạt 92%.

- Tại 02 bệnh viện tuyến tỉnh có khoa PHCN: tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN theo phân tuyến được phê duyệt/tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN đạt khoảng 45%.

- Tại các TTYT huyện: tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN theo phân tuyến được phê duyệt/tổng số dịch vụ kỹ thuật PHCN đạt khoảng 27 - 45%.

[...]