Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 250/KH-UBND năm 2023 phát triển hệ thống phục hồi chức năng Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 250/KH-UBND
Ngày ban hành 25/12/2023
Ngày có hiệu lực 25/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thực Hiện
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 250/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 25 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG VỀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

1. Hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng

a) Tuyến thành phố: Các cơ sở y tế tuyến thành phố và cơ sở y tế Bộ, ngành đóng trên địa bàn có khoa phục hồi chức năng bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 121, Bệnh viện Công an thành phố, Bệnh viện Đa khoa Đột quỵ tim mạch S.I.S, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - Phục hồi chức năng trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Tuyến quận, huyện: Có 4/9 quận, huyện có Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng và Tổ Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng;

c) Tuyến xã, phường, thị trấn: 70% trạm y tế triển khai và duy trì chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

2. Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật

Tỷ lệ người khuyết tật được khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng đạt 95%. Tỷ lệ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, việc làm đạt 90%, cụ thể:

a) Số lượt người khuyết tật được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế: 3.300.000 lượt;

b) Số lượt người khuyết tật được phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế: 4.200.000 lượt;

c) Số lượt người khuyết tật được tập huấn, hướng dẫn phục hồi chức năng cho gia đình và cộng đồng: 100.000 lượt;

d) Số người khuyết tật được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, việc làm: 10.000 người.

3. Nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến về phục hồi chức năng

a) Trong giai đoạn 2014 - 2020 đã tổ chức thực hiện 10 đề tài nghiên cứu khoa học về phục hồi chức năng, tập trung vào các lĩnh vực sau:

- Nghiên cứu về hiệu quả của các kỹ thuật phục hồi chức năng mới trong điều trị các bệnh lý khác nhau, như: kỹ thuật phục hồi chức năng vận động cho người bị đột quỵ, kỹ thuật phục hồi chức năng cho người bị chấn thương sọ não, kỹ thuật phục hồi chức năng cho người cao tuổi,...;

- Nghiên cứu về phát triển các mô hình phục hồi chức năng tại cộng đồng, như: mô hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, mô hình phục hồi chức năng cho trẻ em mắc các rối loạn phát triển,...

b) Chỉ đạo tuyến: hỗ trợ tuyến tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục hồi chức năng cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến như: chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, chương trình phục hồi chức năng cho trẻ em mắc các rối loạn phát triển,... Hỗ trợ các cơ sở phục hồi chức năng tuyến dưới nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật. Các chương trình phục hồi chức năng cho các đối tượng đặc thù được triển khai hiệu quả.

4. Về nguồn lực

a) Về nhân lực (đến năm 2020):

- Tổng số 11 bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, tăng 6 bác sĩ so với năm 2014. Tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng/10.000 dân tăng từ 0,12 lên 0,22;

- Bác sĩ chuyên khoa khác có bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về phục hồi chức năng: tính đến năm 2020, thành phố có tổng số 15 bác sĩ chuyên khoa khác có bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về phục hồi chức năng, tăng 7 bác sĩ so với năm 2014. Tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa khác có bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về phục hồi chức năng/10.000 dân tăng từ 0,2 lên 0,3;

- Kỹ thuật viên phục hồi chức năng các trình độ: tính đến năm 2020, thành phố có tổng số 250 kỹ thuật viên phục hồi chức năng các trình độ, tăng 185 kỹ thuật viên so với năm 2014. Tỷ lệ kỹ thuật viên phục hồi chức năng/10.000 dân tăng từ 0,41 lên 0,55;

- Điều dưỡng có chứng chỉ đào tạo về phục hồi chức năng đã được cấp chứng chỉ hành nghề là kỹ thuật viên phục hồi chức năng: tính đến năm 2020, thành phố có tổng số 60 điều dưỡng có chứng chỉ đào tạo về phục hồi chức năng đã được cấp chứng chỉ hành nghề là kỹ thuật viên phục hồi chức năng, tăng 30 điều dưỡng so với năm 2014. Tỷ lệ điều dưỡng có chứng chỉ đào tạo về phục hồi chức năng đã được cấp chứng chỉ hành nghề là kỹ thuật viên phục hồi chức năng/10.000 dân tăng từ 0,1 lên 0,13;

- Nhìn chung, số lượng nguồn nhân lực phục hồi chức năng tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2014 - 2020 đã có sự tăng trưởng đáng kể, đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người dân.

b) Về nguồn kinh phí chi cho hoạt động phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật qua từng năm: nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn bảo hiểm y tế, nguồn xã hội hóa, nguồn hợp pháp khác;

c) Về công tác đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất; cung ứng thuốc và vật tư thiết yếu; ứng dụng công nghệ thông tin trong phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật: giai đoạn 2014 - 2020, thành phố đã tập trung đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, khoa/tổ phục hồi chức năng các Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền; Trung tâm y tế có giường bệnh, Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục chuyên biệt; Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội Cần Thơ được đầu tư xây dựng mới, đi vào hoạt động từ năm 2019, cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật về vận động, tâm thần, trí tuệ, ngôn ngữ, thị giác, thính giác.

[...]