Kế hoạch 2210/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 32/NQ-CP Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 2210/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2024
Ngày có hiệu lực 14/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Minh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2210/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 32/NQ-CP NGÀY 20/3/2024 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 686/NQ-UBTVQH15 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 51/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 32/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP như sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Thống nhất chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp nhằm cụ thể hóa các nội dung tại Nghị quyết số 32/NQ-CP đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và các đơn vị.

- Làm cơ sở để các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra tại Kế hoạch này.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định; tiếp tục tuyển dụng bảo đảm đủ số biên chế được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 17/8/2022 của Bộ Chính trị; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo lộ trình.

2. Tập trung đầu tư kiên cố hóa trường lớp học; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư.

3. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục ưu tiên ngân sách địa phương cho giáo dục và đào tạo. Bố trí đầy đủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt.

5. Bố trí ngân sách thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa. Ưu tiên bố trí kinh phí hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.

6. Xây dựng phương án và triển khai thực hiện việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính sách.

7. Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục phổ thông.

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Về hoàn thiện thể chế, chính sách

a) Các sở, ban, ngành và các địa phương

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong danh mục tại phụ lục kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP sau khi Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành.

- Tổ chức rà soát các cơ chế, chính sách của địa phương không còn phù hợp, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới để triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành quan liên quan

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chiến lược, quy hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan.

- Ban hành văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục tại địa phương.

c) Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi của nhà giáo theo quy định

d) Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

2. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

a) Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương

- Tiếp tục tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, đảm bảo tiến độ, chất lượng; nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục các tồn tại hạn chế. Phát huy tính chủ động của các cơ sở giáo dục, các nhà giáo trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

[...]