Kế hoạch 3491/KH-UBND năm 2024 triển khai Nghị quyết 32/NQ-CP Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 3491/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2024
Ngày có hiệu lực 04/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3491/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 04 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 32/NQ-CP NGÀY 20/3/2024 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 686/NQ-UBTVQH15 NGÀY 18/9/2023 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 51/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Triển khai Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Kế hoạch số 390/KH-BGDĐT ngày 22/4/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP trên địa bàn tỉnh;

2. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) theo lộ trình quy định; xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và bảo đảm các điều kiện, nguồn lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả, kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 và Kế hoạch này.

3. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Truyền thông về đổi mới Chương trình GDPT

a) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

b) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của các cơ quan trung ương, địa phương về đổi mới Chương trình GDPT; nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình GDPT

a) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan:

- Tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng; nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế; phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục và nhà giáo trong triển khai Chương trình GDPT 2018;

- Hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo đúng lộ trình và tiến độ quy định;

- Khi kết thúc năm học 2024 - 2025, tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

- Rà soát, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực đổi mới GDPT.

- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tập trung vào một số nội dung, đối tượng, địa bàn trọng điểm để tạo sự đồng thuận của xã hội và quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong toàn thể đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan chuẩn bị điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục hướng nghiệp và Chương trình giáo dục nghề phổ thông, chương trình trường trung học phổ thông kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của địa phương.

3. Về tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới GDPT

a) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan:

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các phương án giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định; tiếp tục tuyển dụng bảo đảm đủ số biên chế được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo lộ trình.

- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn; thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo quy định; phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo chất lượng, hiệu quả; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán.

- Tập trung đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư.

- Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.

- Xây dựng phương án và triển khai hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính sách.

b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch này theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, cân đối và bố trí nguồn vốn đầu tư và các chương trình, dự án khác để thực hiện Kế hoạch này.

[...]