Kế hoạch 216/KH-UBND về triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương - DDCI Quảng Ninh 2022

Số hiệu 216/KH-UBND
Ngày ban hành 06/09/2022
Ngày có hiệu lực 06/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 06 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG - DDCI QUẢNG NINH 2022

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 19/01/2022 về việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Theo đề nghị của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tại Tờ trình số 13/TTr-BXTĐT ngày 18/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương - DDCI Quảng Ninh 2022 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế xã hội giữa các Sở, ban, ngành trong tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các phòng, ban, phường, xã cấp cơ sở để từ đó tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

- Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các Sở, ban, ngành.

- Kết quả DDCI Quảng Ninh được sử dụng để tham mưu giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát. Tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về DDCI Quảng Ninh 2022 như là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo PCI quốc gia.

- Kết quả khảo sát là căn cứ để xem xét, so sánh chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương và của các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh Quảng Ninh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; là tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua năm 2022 của các sở, ban, ngành và địa phương.

2. Yêu cầu

- Xây dựng hệ thống chỉ số phù hợp với phương pháp luận khảo sát PCI và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của PCI, trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh; có sự tham vấn của chuyên gia PCI và cộng đồng doanh nghiệp trong suốt quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để triển khai khảo sát trực tuyến với các câu hỏi cụ thể theo từng đối tượng khảo sát (nhà đầu tư, doanh nghiệp và hợp tác xã) theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về chủ trương chuyển đổi số.

- Tăng lượng phiếu tương tác của những doanh nghiệp, nhà đầu tư thường xuyên thực hiện thủ tục tại Trung tâm hành chính công các cấp để đảm bảo tính sát thực trong việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị được đánh giá.

- Khảo sát phải đảm bảo tính sát thực, khoa học khách quan, chuyên nghiệp; doanh nghiệp tham gia khảo sát phải có tính đại diện, tính đặc thù của từng cơ quan, đơn vị được khảo sát, hiểu biết về các cơ quan, địa phương được đánh giá.

- Cải tiến phương pháp tính điểm các chỉ tiêu đảm bảo tính tương đồng, kế thừa, so sánh giữa các đơn vị qua các năm.

- Sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh gắn với hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

- Xây dựng các tiêu chí để khai thác thông tin phục vụ công tác khảo sát liên quan đến chuyển đổi số vào các chỉ số thành phần hiện tại phù hợp với chủ trương của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh.

- Xây dựng các câu hỏi để có thông tin phục vụ công tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư của tỉnh; truyền tải thông điệp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp của các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh.

- Tiếp tục duy trì chỉ tiêu cứng về số lượng doanh nghiệp thành lập và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương.

- Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi thực hiện thủ tục hành chính; Phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp (tối thiểu số phiếu thu về đạt trên 25% số phiếu phát ra).

- Đảm bảo chỉ rõ trong báo cáo kết quả và khen thưởng những Sở, ngành, địa phương có tốc độ cải thiện tốt nhất để thúc đẩy thi đua, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế.

- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch, đúng pháp luật để báo cáo UBND tỉnh theo quy định; đồng thời là căn cứ để các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của nhà đầu tư, doanh nghiệp; từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

II. NỘI DUNG

1. Phạm vi, quy mô khảo sát

- Đối tượng tham gia đánh giá: Các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; các hợp tác xã, chỉ đánh giá ý kiến đối với các địa phương và chỉ áp dụng tại các địa phương ít doanh nghiệp.

- Quy mô dự kiến: Khoảng 6.000 doanh nghiệp, hợp tác xã

Số phiếu khảo sát dự kiến phát ra: 12.000, bao gồm: 3.000 bộ phiếu đánh giá khối địa phương. Mỗi bộ phiếu gồm 01 phiếu đánh giá duy nhất một địa phương được đề nghị doanh nghiệp đánh giá; 3.000 bộ phiếu đánh giá khối sở, ban, ngành. Mỗi bộ phiếu gồm 03 phiếu đánh giá sở, ban, ngành (3 x 3.000 phiếu = 9.000 phiếu), trong đó có 01 phiếu đề nghị doanh nghiệp đánh giá một sở, ban, ngành cụ thể (là sở, ban, ngành doanh nghiệp trực tiếp giao dịch trong kỳ đánh giá), 02 phiếu còn lại doanh nghiệp tự lựa chọn sở, ban, ngành đánh giá (là các sở, ban, ngành doanh nghiệp có giao dịch hoặc có liên quan tới các hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ đánh giá).

[...]