ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 665/KH-UBND
|
Nghệ
An, ngày 29 tháng 9 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ VÀ KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA SỞ, BAN,
NGÀNH CẤP TỈNH VÀ UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ (DDCI) NĂM 2022
Thực hiện tinh thần Nghị Quyết số
02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Xây dựng bộ chỉ
số và khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành cấp tỉnh và
UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) năm 2022, với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung: Nhằm phát huy vai
trò, trách nhiệm điều hành của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện,
thành phố, thị xã (UBND cấp huyện) để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh
tỉnh Nghệ An, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
b) Mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao chất lượng giải quyết thủ
tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu
tư kinh doanh; Tạo sự cạnh tranh, thi đua và đánh giá về chất lượng điều hành
quản lý giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
- Nâng cao hiệu lực trong chỉ đạo, điều
hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
- Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng
rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp được tham gia đóng góp ý kiến xây
dựng bộ máy sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
- Trên cơ sở kết quả DDCI, nghiên cứu
giải pháp để nâng cao PCI những năm tiếp theo.
2. Yêu cầu:
- Phương pháp xây dựng hệ thống bộ chỉ
số và tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND
cấp huyện (DDCI) được lựa chọn tương tự như các chỉ số thành phần của PCI, trên
cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại tỉnh Nghệ An và có sự tham vấn
của chuyên gia PCI trong suốt quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.
- Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến
phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những
vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục
hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng
mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp.
- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến
phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch;
đồng thời là căn cứ để các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các tổ chức liên
quan tiếp thu ý kiến góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp; từ đó đề ra các giải
pháp thiết thực, hiệu quả, tiếp tục phát huy những mặt đã làm được và nghiêm
túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng
điều hành của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
- Kết quả khảo sát, điều tra là một
trong những căn cứ để xem xét, so sánh chất lượng quản lý nhà nước của các sở,
ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trong việc cải thiện môi trường đầu tư
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
II. NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Phạm vi, quy
mô khảo sát: Quy mô mẫu khảo
sát thu được khoảng từ 2.000 - 2.500 mẫu. Số lượng mẫu khảo
sát (dựa trên số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn
tỉnh) với kỳ vọng tỷ lệ thu thập dữ liệu thực tế khoảng 60 - 80% trong khoảng
thời gian khảo sát (để đạt được mức kỳ vọng này cần tập trung công tác khảo sát
trực tiếp được thực hiện bởi đơn vị tư vấn).
2. Phương pháp khảo
sát:
Cuộc điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng
nhiều phương pháp phù hợp hiệu quả, bao gồm:
- Khảo sát trực tiếp (khoảng 60%):
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì cùng đơn vị tư vấn
phối hợp với VCCI chi nhánh Nghệ An, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Cục thống kê,
đơn vị khảo sát, tiến hành tập huấn hướng dẫn quy trình thực hiện cho điều tra
viên và trực tiếp đến các đối tượng được chọn khảo sát trên địa bàn tỉnh để lấy
ý kiến đánh giá vào Phiếu khảo sát.
- Khảo sát trực tuyến (khoảng 40%):
Đơn vị tư vấn liên hệ với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được khảo sát và tiến
hành gửi thư mời tham gia khảo sát trực tuyến vào địa chỉ thư điện tử doanh
nghiệp đăng kí nhận phiếu khảo sát. Doanh nghiệp sẽ được cung cấp mã số định danh và mật khẩu để truy cập vào platform trực tuyến để điền
phiếu. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một thư điện tử và mã số định danh duy nhất. Đồng
thời đơn vị tư vấn tiến hành liên hệ với doanh nghiệp để tư vấn hướng dẫn thực
hiện.
Tỷ lệ khảo sát qua các phương pháp sẽ
được điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của mẫu khảo sát và hình thức khảo sát
doanh nghiệp mong muốn.
3. Đối tượng được
đánh giá:
- Các sở, ban ngành cấp tỉnh (26 đơn
vị): Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao
thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa và Thể
thao, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo,
Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại vụ, Nội Vụ, Tư pháp, Du lịch; Thanh tra
tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Cục Thuế tỉnh; Cục Hải quan tỉnh, Kho bạc
Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ban Quản lý dự án
đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh.
- Địa phương: Gồm 21 đơn vị UBND cấp
huyện trên địa bàn tỉnh.
4. Nguyên tắc xây
dựng và triển khai DDCI:
Việc xây dựng và triển khai bộ chỉ số
năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn
tỉnh Nghệ An phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Nguyên tắc thực tế: Chỉ số DDCI được xây dựng dựa trên nội dung liên quan trực tiếp tới
năng lực điều hành và phản ánh được các chức năng, nhiệm vụ thực tế mà các sở,
ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đang chịu trách nhiệm đảm nhận.
b) Nguyên tắc gắn kết trách nhiệm: Nội dung DDCI cần phản ánh được cảm nhận của các đối tượng điều tra về
kết quả xử lý các thủ tục hành chính nói riêng, năng lực và thái độ phục vụ của
từng sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện nói chung.
c) Nguyên tắc khả thi: Bộ chỉ số DDCI phải có khả năng cho thấy những khác biệt về năng lực
điều hành kinh tế và hiệu quả cải cách hành chính liên quan đến đầu tư, hoạt động
sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, các doanh nghiệp ở các sở, ban, ngành và
UBND cấp huyện.
d) Nguyên tắc chính xác: Phải đảm bảo tính chính xác về kết quả khảo sát DDCI. Phương pháp xây dựng chỉ số, cách thức tiến hành khảo sát và việc
phân tích kết quả phải phản ánh trung thực, khách quan cảm nhận của các đối tượng
trong mẫu điều tra. Bên cạnh đó, việc chọn mẫu khảo sát phải khoa học, thể
hiện tính đại diện và độ tin cậy phù hợp.
e) Nguyên tắc có ý nghĩa: Kết quả rút ra từ khảo sát chỉ số DDCI
phải có ý nghĩa với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao
năng lực điều hành kinh tế các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thể
hiện qua việc kết quả phân tích chỉ số DDCI sẽ giúp chỉ ra
ưu, nhược điểm, những điểm đã làm tốt và những điểm tồn tại hạn chế để các cơ
quan, đơn vị có định hướng cải thiện; đồng thời tạo sự cạnh
tranh, thi đua để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành
và UBND cấp huyện.
f) Nguyên tắc bảo mật: Mã hóa và lưu trữ phiếu trả lời DDCI theo nguyên tắc bảo mật danh tính
của các doanh nghiệp, tổ chức phản hồi khảo sát, thực hiện điều này sẽ giúp tạo
dựng lòng tin của người trả lời phiếu khảo sát; đồng thời
đáp ứng yêu cầu theo Luật Thống kê. Phải bảo mật thông tin kết quả DDCI đến thời
điểm tổ chức công bố nhằm đảm bảo tính khách quan của kết quả đánh giá.
5. Nội dung xây dựng
bộ chỉ số, khảo sát và điều tra lấy ý kiến:
- Bộ chỉ số đánh giá: Đơn vị tư vấn
xây dựng dựa trên nghiên cứu, đánh giá các chỉ tiêu của Bộ chỉ số PCI, rà soát
các mô hình đánh giá DDCI của các tỉnh và trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa
phương. Tiến hành lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện để xây
dựng hoàn thiện.
- Phiếu khảo sát sẽ được xây dựng gồm
02 mẫu, sử dụng cho 02 nhóm đối tượng đánh giá (sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND
cấp huyện). Mẫu phiếu khảo sát có thể được điều chỉnh, bổ
sung tùy theo yêu cầu, mục đích khảo sát nhằm phục vụ định hướng cải thiện chất
lượng giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện
trên địa bàn tỉnh. Dự kiến phiếu khảo sát sẽ gồm 03 phần chính:
Phần
1: Thông tin chung: Câu hỏi chung liên quan đến thông
tin về doanh nghiệp.
Phần 2:
Năng lực điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh: Phần này sẽ là những câu
hỏi triển khai từ các chỉ số thành phần của bộ chỉ số đánh giá.
Phần 3:
Những thông tin bổ sung: Các câu hỏi của phần này triển
khai tìm hiểu những đánh giá của doanh nghiệp về những nội dung bổ sung và dùng
để phân tích sâu hơn những vấn đề tỉnh quan tâm.
6. Tiến độ triển
khai:
- Tháng 10/2022: Xây dựng dự toán
kinh phí trình, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ dự toán và cấp kinh phí.
- Tháng 11/2022: Lập kế hoạch lựa chọn
đơn tư vấn, trình thẩm định và phê duyệt lựa chọn đơn vị tư vấn, ký kết hợp đồng.
- Tháng 12/2022: Xây dựng, phê duyệt
bộ chỉ số thành phần DDCI.
- Tháng 12/2022 - 1/2023: Lựa chọn đối
tượng, xây dựng mẫu phiếu khảo sát.
- Tháng 2/2023 - 3/2023: Tổ chức khảo
sát, đánh giá.
- Tháng 4/2023: Phân tích, viết báo
cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Tháng 5/2023: Công bố kết quả.
7. Nguồn kinh
phí: Nguồn ngân sách tỉnh cấp
bổ sung cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An để triển khai thực hiện theo đúng quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Cơ quan chủ trì thực hiện:
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại
và Du lịch tỉnh Nghệ An là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện, có các nhiệm vụ
sau:
- Xây dựng nhiệm vụ dự toán gửi Sở
Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt giải quyết kinh phí để
triển khai.
- Tổ chức lựa chọn theo quy định đơn
vị tư vấn đủ năng lực, điều kiện để xây dựng bộ chỉ số, phương án đánh giá,
tiêu chí đánh giá; mẫu phiếu khảo sát, phương án khảo sát, phương án tính điểm,
hệ thống phần mềm đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và
UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, phổ biến cách thức triển khai,
đánh giá Bộ chỉ số DDCI cho các sở, ban, ngành, địa phương
và doanh nghiệp theo đúng quy định.
- Phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo đơn vị
tư vấn triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
+ Thực hiện các nội dung công việc
theo hợp đồng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, xây
dựng bộ chỉ số DDCI tỉnh Nghệ An, phương án cụ thể đế đưa các nội dung khảo sát
vào bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá; mẫu phiếu khảo sát, phương án khảo sát,
phương án tính điểm, hệ thống phần mềm
đánh giá từ các nguồn dữ liệu cho phù hợp theo từng giai đoạn và tình hình thực
tế của tỉnh.
+ Chuyển giao toàn bộ dữ liệu có liên
quan theo hợp đồng cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh.
Tuyệt đối không được cung cấp dữ liệu, kết quả cho bất kỳ
đơn vị nào khác nếu chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh.
+ Tổ chức công tác khảo sát, tổng hợp,
phân tích, đánh giá các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương.
+ Tổng hợp dữ liệu và thực hiện chấm
điểm độc lập; chuyển bảng điểm chấm độc lập trên về Trung tâm Xúc tiến Đầu tư,
Thương mại và Du lịch tỉnh để tổng hợp kết quả.
- Phối hợp với Phòng thương mại và
công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Nghệ An, đơn vị tư vấn và các cơ quan,
đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể để đưa các nội dung khảo sát vào bộ
chỉ số và tiêu chí đánh giá cho phù hợp theo từng giai đoạn và tình hình thực tế
của tỉnh; trình UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh
tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; cập nhật và đăng tải Phiếu khảo
sát đánh giá DDCI, cẩm nang DDCI, bộ
câu hỏi về DDCI trên trang chuyên mục của các cơ quan trong tỉnh và triển khai
các nội dung truyền thông khác liên quan; giám sát độc lập hoạt động của đơn vị
tư vấn và công bố kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) hàng năm, trực tiếp và trực tuyến
trên website, các phương tiện truyền thông.
- Chủ trì, phối hợp với VCCI chi
nhánh Nghệ An, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng
doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể,... trong quá trình tham gia
đánh giá phiếu khảo sát nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi điền phiếu
khảo sát.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan, báo cáo tham mưu UBND tỉnh việc công bố kết quả
khảo sát DDCI năm 2022. Thông qua kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá, tổng hợp
báo cáo UBND tỉnh về những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, địa phương và tham
mưu đề xuất những giải pháp khắc phục để UBND tỉnh chỉ đạo.
- Chủ trì, phối hợp với VCCI chi
nhánh Nghệ An, các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số
DDCI Nghệ An cho những năm tiếp theo.
- Thực hiện các nhiệm vụ phát sinh
khác khi triển khai Kế hoạch.
2. Cơ quan phối hợp:
2.1 Sở Tài chính:
Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt
nhiệm vụ dự toán và cấp kinh phí triển khai Kế hoạch này; thẩm định, trình phê
duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn.
2.2. Các sở, ban, ngành và UBND cấp
huyện:
- Phối hợp cung cấp thông tin danh
sách và địa chỉ liên hệ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hoạt động
đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Các đơn vị có cơ sở dữ liệu doanh nghiệp chuyên ngành như các sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch,
Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Giao thông vận tải,
Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Ban Quản
lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh,... cập nhật
và tổng hợp các cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa
bàn tỉnh gửi về cơ quan chủ trì.
- Triển khai, phổ biến, quán triệt việc
thực hiện Kế hoạch này đến các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.
- Chủ động nghiên cứu và triển khai
khảo sát đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đến cấp cơ sở (chi cục,
phòng, ban) dựa trên bộ chỉ số DDCI của tỉnh; từ đó tạo sự
cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các phòng, ban, phường,
xã, thị trấn; tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc
nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư,
doanh nghiệp.
- Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền
thông tin về nỗ lực cải thiện Bộ chỉ số DDCI của đơn vị trên các phương tiện truyền thông (website, đài báo, tạp chí, fanpage) nhằm tạo niềm tin cho
doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
2.3. Sở Thông tin và Truyền thông:
Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí,
truyền thông đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền về PCI, DDCI và các nội dung liên
quan; xây dựng kế hoạch truyền thông về PCI, DDCI và duy trì tuyên truyền, phát
huy hiệu quả các chuyên mục trước và trong quá trình triển khai Bộ chỉ số DDCI
nhằm thu hút sự quan tâm thực chất của cộng đồng doanh nghiệp; chủ trì lập báo
cáo theo dõi tổng hợp các nguồn thông tin phản ánh từ báo chí và các cơ quan
truyền thông về PCI, DDCI từ các sở, ngành địa phương và phối hợp cung cấp thường
xuyên về Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh để tổng hợp.
2.4. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh:
Thực hiện thường xuyên các phóng sự,
bài viết, chuyên đề về DDCI nhằm tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan, ban,
ngành trên địa bàn tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, tác động của DDCI đối
với công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh của tỉnh Nghệ An; kịp thời đưa tin trong quá trình khảo sát, điều tra, lấy
ý kiến đánh giá Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và
UBND cấp huyện.
Trên đây là Kế hoạch Xây dựng bộ chỉ
số và khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành cấp tỉnh và
UBND cấp huyện năm 2022; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa
phương có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực TU, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Nghệ An; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
Cổng TTĐT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KSTTHC, CN (TP, T.Tr).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Nghĩa Hiếu
|