Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2022 cải thiện chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) tỉnh Hậu Giang
Số hiệu | 62/KH-UBND |
Ngày ban hành | 14/04/2022 |
Ngày có hiệu lực | 14/04/2022 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hậu Giang |
Người ký | Trương Cảnh Tuyên |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/KH-UBND |
Hậu Giang, ngày 14 tháng 4 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
CẢI THIỆN CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH TỈNH VÀ CẤP HUYỆN (DDCI) TỈNH HẬU GIANG
Theo kết quả Báo cáo chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện (gọi chung là DDCI) năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ. Năm 2020 là năm thứ 2, tỉnh Hậu Giang tổ chức đánh giá Bộ chỉ số DDCI, có mở rộng thêm nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để phản ánh chất lượng điều hành ở địa phương. Các chỉ số DDCI năm 2020 đã từng bước cải thiện, tuy nhiên còn một số chỉ tiêu thành phần DDCI mà các đơn vị chưa đạt kết quả cao.
Để nâng cao chỉ số DDCI của các đơn vị và địa phương, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch cải thiện chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện (DDCI) tỉnh Hậu Giang, với một số nội dung như sau:
I. KẾT QUẢ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN NGÀNH TỈNH VÀ CẤP HUYỆN (DDCI) TỈNH HẬU GIANG NĂM 2020
1. Kết quả đánh giá các sở, ban, ngành tỉnh năm 2020
Kết quả đánh giá năm 2020, số đơn vị sở, ban, ngành tỉnh có năng lực điều hành kinh tế xếp loại khá tăng so với năm 2019 cho thấy sự đồng bộ trong nỗ lực cải thiện năng lực phục vụ cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương là những đơn vị đạt điểm số cao nhất, đây là đơn vị có nhiều nghiệp vụ phức tạp liên quan doanh nghiệp. Về kết quả đánh giá từng chỉ số thành phần: Có một số chỉ số thành phần có điểm số tăng cao, nổi bật là Thiết chế pháp lý, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Cạnh tranh bình đẳng… Bên cạnh đó, có một số chỉ số thành phần có điểm số thấp, cụ thể: Minh bạch thông tin, Chi phí thời gian…
2. Kết quả đánh giá cấp huyện năm 2020
Kết quả đánh giá của các huyện, thị xã, thành phố năm 2020: Có 05 đơn vị xếp hạng khá và 03 đơn vị xếp hạng trung bình; trong đó: Huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A và huyện Long Mỹ là những đơn vị đạt điểm số cao nhất. Về kết quả đánh giá từng chỉ số thành phần: Đối với cấp huyện có một số chỉ số thành phần có điểm số tăng cao, nổi bật là Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng,... Bên cạnh đó, có một số chỉ số thành phần có điểm số thấp, cụ thể: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Tính năng động, Tiếp cận đất đai,…
II. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP CẢI THIỆN CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH TỈNH VÀ CẤP HUYỆN (DDCI) TỈNH HẬU GIANG
1. Mục tiêu
Phấn đấu chỉ số DDCI năm 2021 của các sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện xếp hạng “tốt” trở lên, trong đó tập trung thực hiện những nội dung như sau:
- Duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số tăng điểm như: Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp,...
- Tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số sụt giảm trong năm 2020 như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Tính năng động của lãnh đạo địa phương, Chi phí thời gian, Tiếp cận đất đai,…
2. Giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện (DDCI) tỉnh Hậu Giang
Nhằm mục tiêu cải thiện thực chất năng lực cạnh tranh của cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện trong việc thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư, tiến tới cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2021, trong thời gian tới các cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện tập trung thực hiện các giải pháp sau:
a) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin
- Thực hiện các hoạt động truyền thông, tập huấn để nâng cao hiệu quả của Cổng/Trang thông tin điện tử/Cổng dịch vụ công nói chung, đối tượng lưu ý cần hướng tới là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Từng bước hoàn thiện Cổng thông tin điện tử đảm bảo thông tin được cập nhật thường xuyên, thiết thực, hữu ích, dễ sử dụng nhằm gia tăng mức độ sử dụng Cổng/Trang thông tin điện tử để tra cứu thông tin.
- Tăng cường sự công khai, minh mạch trong quy trình giải quyết thủ tục đầu tư, tạo sự hài lòng và an tâm đầu tư của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu (các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương) về việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
- Công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch, chương trình phát triển ngành, lĩnh vực; danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.
b) Chi phí không chính thức
- Tăng cường công tác phòng và chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác. Các hoạt động thanh, kiểm tra thực hiện không quá 01 lượt trong năm. Có giải pháp ngăn ngừa phát sinh các chi phí không chính thức.
- Tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, đặc biệt dịch vụ công tiến tới cấp độ 4, số hóa trong dịch vụ công. Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của đơn vị quy trình, thủ tục và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát trong suốt quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, tránh tình trạng gây khó dễ để thực hiện hành vi nhũng nhiễu.
- Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong kết nối chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tìm kiếm, đào tạo nguồn lao động có chất lượng tốt. Đồng thời, hỗ trợ điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp.
c) Chi phí thời gian
- Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ phận “Một cửa”, trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, trong đó công bố thủ tục hành chính và thời gian giải quyết đối với từng loại hình đầu tư cụ thể.
- Thực hiện tốt các quy định về văn minh, văn hóa công sở, trang phục làm việc, chú trọng nâng cao tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức gần gũi, thân thiện, lịch sự khi giao tiếp với doanh nghiệp.
- Rà soát lại số lượng, trình độ năng lực của cán bộ giải quyết các thủ tục hành chính của doanh nghiệp, đảm bảo về số lượng và chất lượng để giải quyết công việc.