Kế hoạch 2082/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 2082/KH-UBND
Ngày ban hành 24/09/2021
Ngày có hiệu lực 24/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2082/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 24 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 14/CT-TTG NGÀY 25/5/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi là Chỉ thị 14/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với những nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (Kết luận số 49-KL/TW); Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW (Quyết định số 489/QĐ-TTg).

- Tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình, của đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Yêu cầu

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội triển khai thực hiện; đảm bảo hiệu quả, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

II. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 theo hướng thiết thực, hiệu quả; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW.

2. Chỉ đạo thực hiện việc đánh giá, xếp loại, công nhận các mô hình học tập trong xã hội một cách thiết thực, hiệu quả. Đăng kí, lựa chọn và đề xuất thành phố trực thuộc tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc điều hành.

3. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), đặc biệt là các TTHTCĐ ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác xóa mù chữ; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục cho người dân tộc thiểu số và miền núi sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức theo dõi công tác dân tộc và công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

5. Xây dựng và phát triển các mô hình học tập, ngành nghề đào tạo, các nghề đặc thù cần học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp quy hoạch của từng địa phương trực thuộc tỉnh đến năm 2030.

6. Cân đối và bố trí ngân sách địa phương đảm bảo cho công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận các mô hình học tập; huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các đề án, dự án, chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, vị trí quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đưa nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể vào nội dung đánh giá thi đua hằng năm.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh và kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn đánh giá, chấm điểm, xếp loại, công nhận Đơn vị học tập cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh theo Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập.

b) Chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch; kiểm tra, đôn đốc tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời những vấn đề liên quan về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo định kỳ và đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hàng năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, Ngày sách Việt Nam; phối hợp tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

d) Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình, tài liệu dạy học xoá mù chữ; cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

đ) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh đảm bảo ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

e) Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Hội Khuyến học tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đánh giá, công nhận các mô hình học tập trong xã hội giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai đánh giá mô hình “công dân học tập” trên địa bàn toàn tỉnh theo chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả.

b) Tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức Hội Khuyến học ở các cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời; tổ chức, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua hệ thống mạng lưới Hội Khuyến học các cấp; hướng dẫn Hội Khuyến học các cấp vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

[...]