Kế hoạch 52/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 07/02/2024
Ngày có hiệu lực 07/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TU NGÀY 16/11/2023 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 23-NQ/TU), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Kế hoạch thực hiện phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 09/11/2023 ban hành Kế hoạch triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Là căn cứ để kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Căn cứ vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 23- NQ/TU và trong Kế hoạch này, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, cụ thể, phù hợp với thực tiễn và có sự phối kết hợp chặt chẽ, đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành, tập trung thống nhất của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 09/11/2023 triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành; tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chủ trương xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời.

- Đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân Thủ đô, góp phần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô và đất nước. Phấn đấu Thủ đô Hà Nội gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESSCO trong thời gian sớm nhất.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục

- Duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

- Duy trì 99,5% trở lên người trong độ tuổi 15-60 biết chữ.

- 95% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ.

- 100% quận, huyện, thị xã đảm bảo duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị điều kiện phổ cập cho trẻ em 4 tuổi.

- Duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

- 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

b) Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân

- 75-80% lao động được qua đào tạo, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55-60%.

- 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin.

- 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống.

- 50% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 12% dân số có trình độ đại học trở lên.

- 100% cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin mạng phù hợp theo yêu cầu nghiệp vụ và Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025”.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

[...]