Kế hoạch 204/KH-UBND năm 2021 về phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 204/KH-UBND
Ngày ban hành 06/07/2021
Ngày có hiệu lực 06/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trần Trí Quang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VẬN TẢI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động năm 2021 của Tỉnh ủy khóa XI và Nghị quyết của HĐND Tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/6/2020 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025);

Căn cứ Nghị quyết số 220/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Căn cứ Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp;

Căn cứ Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1.1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển vận tải trên cơ sở tổ chức hợp lý với nhiều phương thức vận tải, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý, nhanh chóng, tiện lợi; an toàn tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Nâng cao chất lượng các loại hình vận tải hành khách công cộng, phát huy lợi thế về vận tải hàng hóa đường thủy kết hợp với phát triển logistic nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.

- Tập trung đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư xã hội hóa trong đầu tư hoạt động vận tải như: bến, bãi, phương tiện vận tải,…đồng thời thực hiện các hạng mục đầu tư công, phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Theo niên giám thống kê Đồng Tháp năm 2019:

+ Vận tải hành khách vận chuyển được 48,62 triệu lượt khách; so với năm trước tăng 14,59% về hành khách vận chuyển.

+ Vận tải hàng hoá vận chuyển được 6,11 triệu tấn; so với năm trước tăng 2,64% về hàng hóa vận chuyển.

- Theo Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025 phấn đấu đạt:

+ Vận chuyển hành khách đáp ứng nhu cầu đạt khoảng 79 triệu lượt hành khách, trong đó đường bộ chiếm 77% và đường thủy chiếm 23%.

+ Vận chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu đạt khoảng 22-25 triệu tấn, trong đó đường bộ chiếm 40% và đường thủy chiếm 60%.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

2.1. Phát triển vận tải đường bộ

2.1.1 Vận tải hành khách đường bộ:

- Vận tải hành khách cố định nội tỉnh: duy trì hoạt động các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, nâng cao mức độ phục vụ, tần suất hoạt động. Mở mới một số tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân như: Tuyến Bến xe Tháp Mười - Bến xe Thanh Mỹ, Bến xe Thanh Mỹ - Bến xe TP Cao Lãnh, Bến xe Tân Phước - Bến xe TP Cao Lãnh, Bến xe Trường Xuân - Bến xe thành phố Hồng Ngự.

- Vận tải hành khách cố định liên tỉnh: duy trì hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh hiện hữu, đảm bảo chất lượng phục vụ từng tuyến đạt chuẩn theo quy định. Mở rộng mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Miền Trung dựa trên nhu cầu thực tế tại địa phương và Quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải.

- Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: tiếp tục triển khai và thực hiện Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh giai đoạn 2021 đến 2025. Mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt vận tải hành khách chất lượng cao đi đến các Khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

- Vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi: mở rộng quy mô hoạt động ở các địa bàn hiện hữu đang khai thác đồng thời định hướng phát triển taxi đến tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

- Vận tải hành khách theo hợp đồng: các loại hình xe hợp đồng phát triển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thực tế. Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả hoạt động.

[...]