Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 196/KH-UBND
Ngày ban hành 04/11/2024
Ngày có hiệu lực 04/11/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 04 tháng 11 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30/CT-TTG NGÀY 29/8/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (sau đây gọi là Chỉ thị số 30/CT- TTg); theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 150/TTr-SVHTT ngày 21/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

- Cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị số 30/CT-TTg để tổ chức thực hiện, xây dựng công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

2. Yêu cầu

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp văn hoá.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

- Tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg cho cán bộ, đảng viên tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá.

- Quán triệt đầy đủ, sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, nâng cao trách nhiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa.

- Đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tích cực ứng dụng các phương thức truyền thông mới trong công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam. Triển khai xây dựng, hoàn thành trong năm 2025 chuyên mục về công nghiệp văn hóa trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tuyên truyền về xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.

- Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ và định kỳ tổng hợp đánh giá tình hình, kết quả triển khai, kịp thời tháo gỡ, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

2. Xác lập, xây dựng, phát triển các lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp văn hóa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và mang đặc trưng riêng của địa phương

- Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tập trung nghiên cứu, xác lập định hình cơ bản các ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa mang đặc trưng riêng của địa phương.

- Tập trung xây dựng, hình thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản hướng đến mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, đem lại nhiều việc làm, thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

- Đầu tư xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật, thiết chế và xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa có lợi thế, đang phát triển mạnh, tạo động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa hình thành và phát triển.

3. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

- Tham mưu ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025 - 2035.

- Nghiên cứu xây dựng, ban hành các đề án: đề án xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh, đề án xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố sáng tạo, gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, đưa Ninh Bình sớm gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

- Tiến hành rà soát, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành và chủ động nghiên cứu, đề xuất ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa và khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa của tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa.

4. Tăng cường các hoạt động liên kết vùng, địa phương, trao đổi, hợp tác trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

- Mở rộng kết nối, giao lưu, hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển để học hỏi kinh nghiệm, xây dựng và nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp văn hóa.

- Tăng cường và phát huy hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, xúc tiến đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, tạo thuận lợi đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Ninh Bình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

[...]