Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2025-2030

Số hiệu 229/KH-UBND
Ngày ban hành 30/12/2024
Ngày có hiệu lực 30/12/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký H’Yim Kđoh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 229/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 30 tháng 12 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2025 - 2030

Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 30/CT-TTG ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2025 - 2030, gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Tiếp tục tuyên truyền đến các cấp, các ngành, cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

1.2. Giao nhiệm vụ cụ thể các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu các lĩnh vực công nghiệp văn hóa thuộc trách nhiệm của sở, ngành, địa phương tham mưu và tổ chức thực hiện; xác định các lợi thế, tiềm năng, tài nguyên để tập trung đầu tư, phát triển ngành công nghiệp văn hóa phù hợp.

1.3. Đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động, sự kiện phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điểm sáng trong phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

2. Yêu cầu

2.1. 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả mục đích của Kế hoạch đã đề ra.

2.2. Xác định, lựa chọn các lĩnh vực, thế mạnh của địa phương trong phát triển công nghiệp văn hóa để hỗ trợ tập trung nguồn lực, xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.

2.3. Thực hiện chế độ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; duy trì công tác kiểm tra, giám sát; đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có sáng kiến, đề xuất mô hình hoạt động góp phần thúc đẩy kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

2.4. Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế tiềm năng: Du lịch văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Ẩm thực, Điện ảnh, Thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thiết kế, Kiến trúc...

II. NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội

1.1. Công tác tuyên truyền trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa

- Xây dựng các chuyên mục trên Báo Đắk Lắk nhằm khuyến khích những cách nhìn mới, tư duy mới về công nghiệp văn hóa để động viên, khích lệ đối với lực lượng lao động sáng tạo văn hóa nhằm tạo ra những giá trị văn hóa mới để tỉnh thực sự có những kết quả nổi bật trong thực hiện chiến lược về công nghiệp văn hóa.

- Phát sóng trên các chuyên trang, chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa của tỉnh.

1.2. Xây dựng các clip ngắn tuyên truyền tập trung cho một số ngành có lợi thế như Du lịch văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Ẩm thực, Thủ công mỹ nghệ… trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội

1.3. Tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa

- Tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề các lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ cơ sở nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và các cấp, các ngành, đơn vị của tỉnh nhằm thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

2. Đề xuất, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách

- Tích hợp đồng bộ các mục tiêu đầu tư, dự án thuộc lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trọng tâm là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, không gian văn hóa nghệ thuật mới.

- Xây dựng các chính sách ưu đãi phát triển văn hóa, hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng của tỉnh trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi đầu tư hoặc hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư các dự án xây dựng cơ sở vật chất công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp vui chơi giải trí và thể thao có quy mô, tiêu chuẩn quốc tế phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa. Bổ sung chính sách, định mức hỗ trợ nhằm phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa.

3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

- Thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo, văn nghệ sỹ, nghệ nhân… có quá trình cống hiến, đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa của tỉnh; khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy, hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành, trình diễn; phát huy thế mạnh của Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ