Kế hoạch 187/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 24-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 187/KH-UBND
Ngày ban hành 10/07/2023
Ngày có hiệu lực 10/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 24-CTR/TU NGÀY 03/02/2023 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW, NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 03/02/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy để triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân trên địa bàn Thành phố.

2. Yêu cầu

- Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị.

- Căn cứ Kế hoạch của UBND Thành phố, các cấp, các ngành chủ động xây dựng Chương trình, Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu đến hết năm 2025

- Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5-3,0%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt trên 70%. Phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 05% tổng diện tích gieo trồng với các cây trồng chủ lực: lúa, rau, đậu các loại, cây ăn quả, chè, cây dược liệu…..; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 5-7% trên tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi thủy sản hữu cơ có chứng nhận đạt 10ha, diện tích nuôi thủy sản chuyển đổi theo hướng hữu cơ đạt 150ha. Thành phố đánh giá, phân hạng được thêm 2.000 sản phẩm OCOP trở lên (giai đoạn 2021-2025). Quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Phát triển hợp tác xã chuyên ngành, phát triển chế biến sản phẩm nông sản gắn với vùng sản xuất; phấn đấu có trên 80% HTX hoạt động hiệu quả; 150 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

- Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững trên địa bàn Thủ đô. Triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55%. Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80-85%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 01 điện thoại thông minh (Smartphone) đạt từ 95% trở lên, tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động mạng 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.

2. Mục tiêu đến năm 2030

Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3,0%/năm trở lên; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 75% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố vào năm 2030. Thành phố đánh giá, phân hạng được thêm 2.000 sản phẩm OCOP trở lên (giai đoạn 2026-2030).

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2030, Thành phố có 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Duy trì làng nghề, văn hóa truyền thống... Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo.

Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 120 triệu đồng/người/năm trở lên. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 80-85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 60%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 100%.

3. Mục tiêu đến năm 2045

Phấn đấu đưa ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển hiện đại, bền vững, trở thành một trong những tỉnh, thành phố có nền nông nghiệp công nghệ cao của cả nước gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; các sản phẩm chủ lực của Thành phố được xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi giá trị và hướng tới xuất khẩu. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “miền quê đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5- 3,0%/năm trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tỷ lệ trên 80%. Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; có 100% số xã, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt trên 200 triệu đồng/người/năm trở lên. Giáo dục nghề nghiệp Thủ đô phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề cao của thị trường lao động Thủ đô; đi đầu cả nước về các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp, bắt kịp trình độ tiên tiến của ASEAN, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, nghề đào tạo. Duy trì tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt từ 95% trở lên, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 100%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân

Tập trung chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nâng cao nhận thức, thống nhất hành động để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình. Đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Thay đổi tư duy của hệ thống chính trị Thủ đô về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

2. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững

2.1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 731/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch hành động số 272/KH-UBND ngày 24/10/2022 của UBND Thành phố thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sâu sản phẩm nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, làng nghề kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai trong sản xuất nông nghiệp, khai thác hiệu quả đất đai vùng bãi ven sông đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ