Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 994/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP và Chương trình 51-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 994/KH-UBND
Ngày ban hành 28/04/2023
Ngày có hiệu lực 28/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 994/KH-UBND

Gia Lai, ngày 28 tháng 04 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/NQ-CP NGÀY 27/02/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỐ 51-CTR/TU NGÀY 18/01/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 16/6/2022 HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ, Chương trình số 51-CTr/TU ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai và cụ thể hóa những nội dung Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ, Chương trình số 51-CTr/TU ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân để sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ, Chương trình số 51-CTr/TU đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện; giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể để triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Phát huy ưu điểm, kết quả đạt được về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để từng bước phát triển, thực hiện đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

- Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; cơ cấu lại kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Phát huy lợi thế từng địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

- Phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, đậm đà bản sắc dân tộc, ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc của các dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.

II. MỤC TIÊU, TẦM NHÌN

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030

Nông dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần càng cao, làm chủ quá trình sản xuất; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên thế mạnh của tỉnh; phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp tái tạo và du lịch; phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng canh tác thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Từng bước phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh một cách toàn diện, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 6,25 - 6,5% năm trở lên. Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 6 - 7%/năm. Tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 6-7%/năm.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác xã và liên kết đạt trên 60%.

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 150 xã (trên 82%), trong đó, phấn đấu trên 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trên 20%), trên 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (trên 5%). 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trên 70%).

- Thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng cao hơn từ 1,8 - 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 98%.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 3.000 - 3.500 lao động nông thôn.

- Tỷ lệ che phủ rừng trên 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ và cây trồng đa mục đích), bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 80.000 ha.

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom xử lý theo quy định đạt 90%.

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân từ 10%-12%/năm. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011-2020.

- Giai đoạn 2022-2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2%/năm; giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1-1,5%/năm.

- Tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia (giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường).

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Nông dân và người dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị tường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu một số loại nông sản chủ lực đứng đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại điện tử, phát triển logistic nông nghiệp; hình thành được những vùng trọng điểm về phát triển du lịch nông nghiệp. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

[...]