Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4378/KH-UBND năm 2023 thực hiện nghị quyết 26/NQ-CP và Chương trình hành động 54-CTr/TU về việc thực hiện nghị quyết 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 4378/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2023
Ngày có hiệu lực 17/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Trần Văn Quân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4378/KH-UBND

Hải Dương, ngày 17 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/NQ-CP NGÀY 27/02/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 54-CTR/TU NGÀY 10/11/2022 CỦA TỈNH ỦY HẢI DƯƠNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 16/6/2022, HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 10/11/2022 của Tỉnh ủy Hải Dương về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai và cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 10/11/2022 của Tỉnh ủy Hải Dương để triển khai có hiệu quả quan điểm, chủ trương và giải pháp phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện với kết cấu hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị, môi trường sống an toàn, lành mạnh và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Yêu cầu

Các địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể để tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị; tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong quá trình triển khai thực hiện cần bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 54-CTr/TU của Tỉnh ủy; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đảm bảo triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đạt hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần, trình độ, năng lực làm chủ, vai trò và vị thế của nông dân và cư dân nông thôn. Nông nghiệp phát triển hiện đạI sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả bền vững theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực. Nông thôn phát triển toàn diện, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản bình quân từ 2,5-3%/năm.

- Tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân trên 6%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm.

- Phấn đấu 85% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là trên 50%.

- Thu nhập của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Giảm 4/5 số hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều so với năm 2020.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới mức 14%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 5,6%, diện tích đất rừng giữ ổn định ở mức trên 11.000 ha. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đa giá trị, trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng. Nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa Xứ Đông, trở thành nơi đáng sống; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức và hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Đổi mới công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng, phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng.

Các cơ quan chức năng ở các cấp tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện Chương trình tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo và các hình thức khác để phổ biến thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng tới nhận thức, hành động đúng, đầy đủ, toàn diện và có kết quả, hiệu quả thực chất nhằm tạo đồng thuận xã hội và vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn và các cơ chế, chính sách có liên quan. Thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

2. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần, vai trò và vị thế của nông dân và cư dân nông thôn

[...]