Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 186/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2022
Ngày có hiệu lực 12/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/KH-UBND

Hà Giang, ngày 12 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 48/NQ-CP NGÀY 05 THÁNG 4 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ (Nghị quyết 48/NQ-CP) về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh lực bảo đảm (TTATGT) và chống ùn tắc giao thông; tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả và trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành tổ chức đoàn thể thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình và ý kiến chỉ đạo về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã và đang thực hiện trong thời gian qua, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và tổ chức trực thuộc tỉnh trong việc triển khai các giải pháp về bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông và Kế hoạch này.

3. Mục tiêu

- Kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án trong thời kỳ công nghệ số 4.0 về bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông trong giai đoạn 2022 - 2025.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban An toàn giao thông tỉnh và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

2. Tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu đô thị, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

3. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm đường thủy nội địa.

4. Nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cấp bằng chứng chỉ chuyên môn; nâng cao chất lượng kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải.

5. Tái cơ cấu vận tải, nâng cao năng lực và chất lượng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị.

6. Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

7. Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

8. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Sở Giao thông vận tải

- Tham gia góp ý hoàn thiện Dự án Luật Đường bộ theo ý kiến của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục tham gia rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, trong đó xác định an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông là một trong các mục tiêu chính khi triển khai, thực hiện các giải pháp về quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao chất lượng các dự án, công trình xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt; tăng cường công tác chỉ đạo duy tu và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và đề xuất xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh; nghiên cứu, xem xét xây dựng gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường ngang trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để người và các phương tiện tham gia giao thông biết thực hiện.

[...]