Kế hoạch 179/KH-UBND năm 2016 thực hiện chương trình phòng chống mù lòa tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 179/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2016
Ngày có hiệu lực 10/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Thanh Đức
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 10 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG CHỐNG MÙ LÒA TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Chiến lược Phòng chống mù lòa Việt Nam, hạ thấp tỷ lệ mù lòa xuống mức 0,3% dân số vào năm 2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống mù lòa Quốc gia; qua điều tra đánh giá nhanh các bệnh gây mù có thể phòng tránh được (RAAB) năm 2015, tỷ lệ mù mắt tại Tiền Giang tuy có giảm nhiều so với trước đây, từ 4,74% (năm 2002) xuống còn 2,4% (năm 2015) ở người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, số người mù lòa vẫn còn nhiều trong cộng đồng. Ước tính còn khoảng 15.600 người mù 02 mắt do các nguyên nhân khác nhau; trong đó, người mù 02 mắt do đục thủy tinh thể chiếm tỷ lệ 62,6%, đây là bệnh lý có thể chữa trị được, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều bệnh tật mới gây mù xuất hiện và có xu hướng ngày càng tăng như: bệnh tật khúc xạ ở trẻ em, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh tăng nhãn áp (glaucoma) và bệnh lý võng mạc ở người lớn… Đó là thách thức đối với công tác chăm sóc mắt nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, tạo nên rào cản cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Từ thực tế trên, cần phải có kế hoạch và những giải pháp can thiệp vào các bệnh lý chủ yếu gây mù và thị lực thấp, nhằm giảm tỷ lệ mù lòa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020; tập trung ưu tiên giải quyết các nguyên nhân hàng đầu gây mù như: bệnh đục thủy tinh thể, bệnh tật khúc xạ ở học đường, mù lòa trẻ em, bệnh tăng nhãn áp, các bệnh lý do chấn thương và nhiễm trùng; hướng tới mục tiêu kiểm soát mù lòa có thể phòng tránh được vào năm 2020. Đây cũng là mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra cho tất cả các quốc gia thành viên, mà Việt Nam đã ký cam kết.

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Khám, chữa bệnh ngày 23/11/2009;

- Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám, chữa bệnh;

- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Nghị quyết 56.26 ngày 28/5/2003 và Nghị quyết số 59.25 ngày 27/5/2006 của Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống mù lòa và tổn thương thị lực có thể phòng tránh được;

- Quyết định số 4824/QĐ-BYT ngày 28/11/2007 của Bộ Y tế về việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa;

- Thông tư số 09/TT-BYT ngày 01/8/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với các Bệnh viện thực hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân;

- Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/8/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế;

- Quyết định số 5068/QĐ-BYT ngày 04/12/2012 của Bộ Y tế quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013;

- Quyết định số 3779/QĐ-UBND ngày 16/10/2009 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh Tiền Giang.

2. Thực trạng chương trình phòng chống mù lòa tỉnh Tiền Giang

a) Hệ thống tổ chức

- Ban Chỉ đạo Chương trình Phòng chống mù lòa của tỉnh được thành lập vào tháng 10/2009 và duy trì hoạt động đến nay: Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Phó Giám đốc Sở Y tế làm Phó ban; Giám đốc Bệnh viện Mắt là Ủy viên thường trực; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan: Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia làm thành viên.

- Chuyên khoa Mắt tuyến tỉnh: Bệnh viện Mắt Tiền Giang hiện có quy mô 50 giường bệnh, với 15 bác sĩ (01 chuyên khoa II, 06 chuyên khoa I, 01 thạc sĩ, 07 bác sĩ chuyên khoa Mắt), 05 khúc xạ viên, 07 điều dưỡng - y sĩ chuyên khoa Mắt; 02 Tổ Mắt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công.

- Chuyên khoa Mắt tuyến huyện: Có 14 Tổ Mắt (tại 11 Trung tâm Y tế huyện, 03 bệnh viện đa khoa huyện); gồm 02 bác sĩ chuyên khoa I, 07 bác sĩ chuyên khoa Mắt, 05 khúc xạ viên, 10 điều dưỡng - y sĩ chuyên khoa Mắt.

- Tuyến xã: Có 173/173 nhân viên y tế phụ trách chương trình phòng chống mù lòa được đào tạo về chăm sóc mắt ban đầu.

b) Thành tựu

- Khô mắt do thiếu vitamin A đã được kiểm soát, tỷ lệ trẻ từ 6 - 36 tháng uống vitamin A đạt > 98%, thực hiện uống vitamin A 2 lần/năm và không ghi nhận trường hợp mù lòa do thiếu vitamin A.

- Chương trình phòng chống mắt hột được thực hiện tốt, tỷ lệ mắt hột hoạt tính < 5%.

- Số người được mổ đục thủy tinh thể tăng dần; từ 4.058 trường hợp (năm 2013) tăng đến 5.054 trường hợp (năm 2015); chỉ số CSR (số trường hợp mổ đục thủy tinh thể/triệu dân) từ 2.378 trường hợp/triệu dân (năm 2013) tăng lên 2.972 trường hợp/triệu dân (năm 2015).

[...]