Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 240/KH-UBND
Ngày ban hành 07/11/2018
Ngày có hiệu lực 07/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 07 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG MÙ LÒA GIAI ĐOẠN 2018-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030, TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Khám, chữa bệnh ngày 23/11/2009;

Căn cứ Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cụ thể như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Tại Việt Nam, theo báo cáo công tác phòng chống mù lòa năm 2015 của Bệnh Viện Mắt Trung ương, ước tính có 378.700 người mù do các nguyên nhân, trong đó số người trên 50 tuổi mù hai mắt là 329.300 người. Nguyên nhân chính gây mù là do đục thể thủy tinh với khoảng 243.700 người (74%), mù do bệnh bán phần sau nhãn cầu 20.748 người (6,3%), mù do Glaucoma 13.173 người (4,0%) và mù do sẹo giác mạc với nguyên nhân khác 13.302 người (4,1%).

Tại Đồng Tháp, hoạt động phòng chống mù lòa trong những năm qua được triển khai về hai đơn vị đầu mối thực hiện là Trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Mặc dù chưa có điều tra cụ thể về các nguyên nhân gây mù chính nhưng cũng theo xu thế chung cả nước, trong năm 2017 số lượt khám bệnh mắt tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp 25.774 lượt, trong đó có 2.602 ca điều trị nội trú tại bệnh viện và 119 ca điều trị ngoại trú. Tổng số ca mổ đục thủy tinh thể trong năm 2017 tại bệnh viện đa khoa Đồng Tháp là 1.983 ca, số mắt mổ Phaco là 1.839 ca, số mắt mổ đường hầm/ngoài bao là 144 ca. Số lượt bệnh glôcôm được khám là 355 ca, số mắt mổ glôcôm là 26 ca. Số phát hiện mắc bệnh võng mạc Đái tháo đường là 107/107 bệnh nhân đái tháo đường đến khám mắt. Toàn tỉnh có 334.771 học sinh, trong đó lứa tuổi cần phòng ngừa là học sinh bậc phổ thông có 16.007 học sinh. Theo số liệu các huyện, thị xã, thành phố báo cáo thống kê năm học 2016 – 2017, số học sinh mắc tật khúc xạ nhiều nhất là học sinh TP Sa Đéc chiếm 14.10%, TP Cao Lãnh 9.48%. Tháp Mười 8.05%.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (phòng chống mù lòa), giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2020

a. Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân, trong đó: giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 16 người/1.000 dân;

b. Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người/1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 80%;

c. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 45%;

d. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 70%.

2.2. Đến năm 2030

a. Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,0 người/1.000 dân, trong đó: giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 12 người/1.000 dân;

b. Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người/1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%;

c. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%;

d. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

3.1. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phòng chống mù lòa; kiểm tra, giám sát các quy định pháp luật

- Triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế đối với khám sàng lọc các bệnh gây mù lòa có thể phòng ngừa được như: đục thủy tinh thể, tật khúc xạ, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc đái tháo đường…

- Bảo đảm mỗi người đều có quyền bình đẳng tiếp cận với dịch vụ phòng chống mù lòa, ưu tiên đối với trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng chính sách.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa trên địa bàn toàn tỉnh.

3.2. Xây dựng các cam kết và hợp tác liên ngành

[...]