Kế hoạch 1754/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Số hiệu 1754/KH-UBND
Ngày ban hành 13/06/2024
Ngày có hiệu lực 13/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Văn Chiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1754/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 13 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Thực hiện Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Phân công cụ thể nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai được đảm bảo an toàn trước thiên tai không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai; chú trọng quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; kịp thời ứng dụng khoa học vào phòng, chống thiên tai.

- Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau; thực hiện phương châm "4 tại chỗ", đề cao vai trò chủ động tại cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hướng đến phát triển bền vững, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Rà soát, điều chỉnh chính sách về phòng, chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai.

- Tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho Nhân dân khi bão, lũ, ngập lụt, giảm 10% thiệt hại về người do dông lốc gây ra so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020.

- Tổ chức, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

- Nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, nhận thức về rủi ro thiên tai và kỹ năng phòng, chống thiên tai; phấn đấu 100% cơ quan hành chính các cấp, tổ chức và hộ gia đình vùng ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai được tiếp nhận đầy đủ thông tin về các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn tỉnh như: dông sét, lốc xoáy, ngập lụt và các kỹ năng phòng tránh; 100% tổ chức, hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

- Tăng khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhà ở của Nhân dân đảm bảo chống chịu trước thiên tai, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và năng lực quản lý điều hành trong phòng, chống thiên tai

a) Rà soát, cập nhật, hoàn thiện văn bản pháp luật chuyên ngành về phòng, chống thiên tai; chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; chính sách đối với hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi và tái thiết sau thiên tai tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu và phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Xây dựng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

b) Triển khai hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.

Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT.

c) Kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai các cấp đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai; củng cố, tổng kết hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; nhân rộng mô hình điểm về chủ động về phòng, chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cơ quan thực hiện: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

2. Nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai

Triển khai, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Kế hoạch số 2160/KH-UBND ngày 11/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

3. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai

a) Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021.

[...]