Kế hoạch 790/KH-UBND năm 2021 phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 790/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2021
Ngày có hiệu lực 22/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 790/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 22 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Phòng, chống, thiên tai ngày 19/6/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Văn bản số 5126/BNN-PCTT ngày 13/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai Thông tư Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai để tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội trong phòng chống thiên tai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai, kết hợp giữa phòng chống thiên tai với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

- Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; Chú trọng công tác quản lý rủi ro thiên tai, lấy phòng ngừa là chính; bám sát phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, liên ngành; ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với kinh nghiệm.

- Sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác phòng chống thiên tai.

2. Yêu cầu

- Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, nâng cấp trang thiết bị về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhất là đối với hạn hán, lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông.

- Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển của các ngành, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Làm cơ sở để tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

III. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, DÂN SINH, KINH TẾ XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG

1. Đặc điểm tự nhiên

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có tọa độ địa lý từ 21°48’ - 22°44’ vĩ độ Bắc và 105°26 - 106°15’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Diện tích tự nhiên 4.859,96 km2. Thành phố Bắc Kạn là trung tâm của tỉnh cách thủ đô Hà Nội 170 km, cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 200 km.

Về điều kiện tự nhiên, Bắc Kạn có địa hình khá phức tạp và đa dạng, diện tích đồi núi chiếm tới 80% diện tích tự nhiên, địa hình hiểm trở và bị chia cất mạnh, đất bằng chiếm diện tích nhỏ phân bố thành các dải hẹp, kẹp giữa các giải đồi núi cao hai bên; có 4 hệ thống sông là: Sông Cầu bắt nguồn ở huyện Chợ Đồn, chiều dài chảy của trên địa bàn tỉnh khoảng 100km, diện tích lưu vực 1.660 km2; sông Năng bắt nguồn từ huyện Pác Nặm, chiều dài 70km, diện tích lưu vực 1.890 km2, ngoài ra còn có hồ Ba Bể với diện tích lưu vực 454 km2; sông Bắc Giang có chiều dài là 35km, diện tích lưu vực 1.200 km2; sông Phó Đáy với chiều dài khoảng 60km, diện tích lưu vực 390 km2. Mùa mưa, nước sông, suối lên rất nhanh gây lũ, ngập lụt ở những vùng đất thấp. Mùa khô nước sống xuống thấp, dòng chảy trong các tháng kiệt rất nhỏ. Sự phân bố dòng chảy đối với các sông suối ở Bắc Kạn theo mùa rõ rệt.

Tỉnh Bắc Kạn nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng của khí hậu miền Bắc có mùa đông lạnh, mưa ít; mùa hè nóng, mưa nhiều. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 kết thúc vào tháng 10 dương lịch, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 kết thúc vào tháng 3 năm sau. Số giờ nắng bình quân năm 1.557 giờ; lượng mưa trung bình năm 1.084 mm, mùa mưa từ tháng 4-10, lượng mưa chiếm 80-85%. Mùa khô từ tháng 11-3 năm sau, lượng mưa chiếm 15-20%.

2. Đặc điểm dân sinh, kinh tế

Tỉnh Bắc Kạn có dân số trên 316.400 người, trong đó dân số ở thành thị thành thị 71.400 người, dân số nông thôn 224.900 người (Chi tiết tại biểu 01, 02). Có 07 dân tộc là Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa, Sán Chay. Dân cư phân bố chủ yếu ở các sườn đồi, chân đồi phía sau là taluy, có nguy cơ sạt trượt rất cao hoặc ven sông suối có độ dốc lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét; nhận thức về rủi ro thiên tai và khả năng thích ứng với thiên tai của người dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhà ở còn nhiều nhà tạm (Chi tiết về nhà ở tại biểu 03).

Sản xuất nông lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; tăng trưởng giai đoạn 2016- 2020 đạt 3,39%/năm (số liệu thống kê ngành); trong năm 2020 quy mô ngành Nông - Lâm - Thủy sản đạt 3.986,42 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,77% trong nền kinh tế, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 12,72%/năm, giá trị đạt 1.801,53 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,91%. Giá trị dịch vụ đạt 6.742,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,21%. (Niên giám thống kê năm 2020)

3. Đặc điểm cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, mức độ đầu tư chưa đồng bộ, chủ yếu các công trình hạ tầng được đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội chưa có điều kiện đầu tư các công trình hạ tầng gắn với mục tiêu thích ứng, phòng tránh thiên tai, do đó khi xảy ra thiên tai thường bị ảnh hưởng gây mất an toàn công trình, mất an toàn cho người dân.

[...]