Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 174/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2022
Ngày có hiệu lực 14/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Ngọc Hoa
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/KH-UBND

Nghệ An, ngày 14 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07-NQ/TU NGÀY 23/12/2021 BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY NGHỆ AN VỀ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; UBND tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch triển khai với những nội dung trọng tâm sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

- Cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Huy động các nguồn lực để phát triển công nghiệp, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng kết hợp có hiệu quả giữa chiều rộng và chiều sâu, gắn với nền kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường bền vững trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch, bền vững. Phấn đấu sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung thu hút đầu tư phát triển nhanh các ngành: Điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng; cơ khí lắp ráp; vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới; dược liệu, hoá chất; chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm; hàng tiêu dùng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sinh học.

- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS2010) đến năm 2025 phấn đấu đạt 165.000 tỷ đồng (thực hiện theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX), trong đó giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chiếm từ 8 ÷ 9%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16,5 ÷ 17,5%.

- Giá trị gia tăng ngành công nghiệp đến năm 2025 đạt 36.000 ÷ 38.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 13,5 ÷ 14,5%.

- Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm của tỉnh đạt 39 ÷ 40% vào năm 2025.

- Phát triển mới thêm từ 10 - 12 khu công nghiệp, 20 - 25 cụm công nghiệp. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; cụm công nghiệp đạt tỷ lệ từ 70%.

- Hàng năm tạo việc làm mới cho 18.000 - 20.000 lao động, trong đó lao động có kỹ năng nghề đạt từ 60%.

b) Giai đoạn 2026 - 2030: Chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu phù hợp với xu thế hội nhập và hiện đại. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các lĩnh vực cốt lõi về số hóa (công nghệ sinh học; công nghệ nano, vật liệu mới,...).

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 17 - 18%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân từ 14 - 15%/năm.

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm của tỉnh chiếm từ 44 - 45%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có trình độ và chất lượng cao.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.

3. Yêu cầu

- Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương trong việc nghiên cứu tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Cân đối và huy động các nguồn lực đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhất là các dự án FDI, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt để phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức Đảng, đoàn thể, doanh nghiệp; gắn tuyên truyền với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của công nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó nhiệm vụ trọng tâm và phân vùng phát triển công nghiệp hợp lý theo không gian lãnh thổ. Hình thành mạng lưới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành hợp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng năng suất, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và tăng năng lực cạnh tranh nhất là vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; phát triển vùng miền Tây Nghệ An, trọng tâm là Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Đô Lương - Tân Kỳ - Con Cuông - Quỳ Hợp, và khu vực Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương gắn với Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.

3. Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học và công nghệ, lựa chọn một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Tăng cường hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo. Phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu từ nguồn nguyên liệu địa phương và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp để tận dụng nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, giảm chi phí xử lý, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên và hạn chế chất thải, khí thải ra môi trường.

4. Huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, hạ tầng dịch vụ logistic (cảng biển, kho bãi, chợ đầu mối,...) nhằm tạo mặt bằng và các điều kiện thuận lợi để hấp dẫn nhà đầu tư. Ưu tiên xã hội hóa khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp để đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm; hoàn thiện hệ thống lưới điện và trạm biến áp đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp.

5. Rà soát các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hạ tầng dịch vụ logistic để bổ sung hoàn thiện hoặc xây dựng mới đảm bảo hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán như: Quy chế sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, chính sách khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp,... Thực hiện tốt chính sách của Chính phủ, của tỉnh tạo môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp.

6. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao trên cơ sở thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Rà soát, bổ sung, sửa đổi chính sách thu hút và sử dụng lao động có trình độ kỹ thuật cao, cán bộ trẻ có năng lực đổi mới sáng tạo, nhất là người Nghệ An ở trong và ngoài nước về quê hương lập nghiệp.

[...]