Kế hoạch 2131/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

Số hiệu 2131/KH-UBND
Ngày ban hành 11/11/2022
Ngày có hiệu lực 11/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2131/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 11 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040

Thực hiện Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng và phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.

- Phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; trong đó ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các phân ngành hóa chất thuộc danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư.

2. Yêu cầu

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam theo từng thời kỳ, từng giai đoạn; phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng phát triển công nghiệp theo Chương trình hành động số 22/CTr-TU ngày 17/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phù hợp với các quy định hiện hành.

II. MỤC TIÊU

1. Đến năm 2030

- Tiếp tục phát triển các sản phẩm hiện đang có lợi thế như: Phân bón tổng hợp, phân hữu cơ sinh học, hóa dược, chế phẩm sinh học, vôi, chất xử lý môi trường, chế biến mũ cao su, nhựa thông... trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

- Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, như: thuốc (dược phẩm), hóa dược, chế phẩm sinh học, vôi, hóa chất dùng trong xử lý môi trường, các sản phẩm nhựa cao cấp phục vực xây dựng và công nghiệp chế tạo khác.

- Khuyến khích đầu tư sản xuất bao bì nhựa thân thiện môi trường, phân hữu cơ vi sinh từ các nguồn rác thải dân dụng của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý các nguồn ô nhiễm để bảo vệ môi trường.

2. Đến năm 2040

Đến năm 2040, tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghiệp hóa chất hiện đang có lợi thế của tỉnh và hình thành một số dự án công nghiệp hóa chất phục vụ các ngành công nghiệp xây dựng, chế biến, chế tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị kinh tế cao.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng hiện đại, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh

- Triển khai linh hoạt, hiệu quả trong quá trình thu hút đầu tư các dự án hóa chất công nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị, hợp lý hóa sản xuất ở các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; không thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất các hóa chất độc hại, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các công nghệ sản xuất, chế biến, chế tạo lạc hậu...

- Các dự án hóa chất sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

2. Phân bố không gian phát triển ngành công nghiệp hóa chất

Phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, địa phương, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Các dự án sản xuất trong ngành hóa chất bắt buộc tập trung trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo các điều kiện an toàn đến khu dân cư.

IV. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư

- Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các dự án đầu tư vào phân ngành trọng điểm ưu tiên đầu tư trong ngành hóa chất có ứng dụng công nghệ hiện đại, bền vững và bảo vệ môi trường.

- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án hóa chất công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung trước tiên là giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để định hướng thu hút đầu tư.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư dự án và thực thi pháp luật trong lĩnh vực hóa chất

[...]