Kế hoạch 17/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 17/KH-UBND
Ngày ban hành 30/01/2020
Ngày có hiệu lực 30/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Ngọc Thọ
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết số 40/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 về dự toán ngân sách Nhà nước tỉnh năm 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH NĂM 2020

Năm 2019 với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 7,18%. Tổng thu ngân sách ước đạt 8.320 tỷ đồng, bằng 115% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 22.700 tỷ đồng, tăng 15%. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 98,5%; tỷ lệ người dân có mã số Hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 99%. Tỷ lệ giảm nghèo còn 4,17%. Ổn định độ che phủ rừng 57,3%...Đáng chú ý, cách thức và năng lực tổ chức, điều hành của các cơ quan trong hệ thống chính quyền các cấp có chuyển biến mạnh mẽ với sự đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh; đã đạt giải thưởng Viễn thông Châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á; Trung tâm công nghệ thông tin Thừa Thiên Huế đã chính thức gia nhập vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung của cả nước. Chương trình “Chủ Nhật xanh” được toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị hưởng ứng làm cải thiện vệ sinh, cảnh quan môi trường từ thành phố đến các vùng miền núi, biên giới. Đã thành lập Trung tâm Ghép mô/tạng đầu tiên khu vực Miền Trung. An ninh chính trị được giữ vững tạo niềm tin, phấn khởi trong đông đảo tầng lớp dân cư.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về "Xây dựng Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương" trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù với Thừa Thiên Huế. Theo đó, sẽ mở ra các hướng đi quan trọng cho tỉnh trong giai đoạn tới, đổi mới phương pháp điều hành theo hướng quyết liệt, hiệu quả hơn.

1. Mục tiêu phát triển năm 2020:

Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương, ưu tiên phát triển các ngành du lịch; công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp sạch, công nghệ cao; đô thị thông minh và bền vững. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử. Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

2. Nội dung trọng tâm trong chỉ đạo điều hành

2.1 Triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội góp phần xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2 Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đột phá công nghiệp công nghệ thông tin; phát triển nông nghiệp và thực phẩm truyền thống gắn với du lịch, văn hóa Huế; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2.3 Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn: mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tuyến đường bộ ven biển; di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế; phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2.4 Triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số còn thấp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới.

2.5 Thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

2.6 Thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận, đoàn thể các cấp; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp; tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn vào các ngày lễ, sự kiện lớn trong năm: Festival Huế 2020, bảo vệ an toàn ASEAN 2020 diễn ra tại thành phố Huế, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng....

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NĂM 2020

1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội góp phần xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.

Xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW trong đó triển khai các chương trình, đề án quan trọng: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng Bộ tiêu chí cho đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế; Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế" ...

Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch tích hợp vào trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với mô hình đô thị thành phố trực thuộc trung ương.

Tổ chức xây dựng, thực hiện và giám sát chặt chẽ việc điều hành Kế hoạch kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 và Kế hoạch Kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021-2025. Thực hiện dự toán ngân sách đảm bảo các mục tiêu phát triển.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai, quán triệt, tuyên truyền đầy đủ các nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân với quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn, tạo những bước phát triển toàn diện, bứt phá để “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Ổn định giá cả, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững

Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa địa phương. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; quảng bá, phát triển hàng hóa địa phương, và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bảo đảm các cân đối lớn về nguồn lực của tỉnh: lao động, việc làm; cân đối thu chi ngân sách theo các nguồn hiệu quả; khả năng huy động vốn đầu tư toàn xã hội bao gồm vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn ODA, NGO, vốn doanh nghiệp trong và ngoài nước và vốn dân cư; cân đối về xuất nhập khẩu hàng hóa; cân đối về năng lượng, điện;...

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và chất lượng của hệ thống thông tin, thống kê. Tiếp tục vận hành trang thông tin kinh tế xã hội tỉnh, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội quốc gia.

3. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5 - 8,0%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế dịch vụ, trong đó xác định du lịch là mũi nhọn, y tế là quan trọng, công nghiệp công nghệ thông tin là đột phá; công nghiệp kỹ thuật cao là cơ bản và nông nghiệp bền vững.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch. Phối hợp đôn đốc tiến độ các dự án lớn, có tính đột phá như dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân golf của các tập đoàn PSH, BRG, Sovico,... đặc biệt chú trọng là dự án Laguna, Minh Viễn, công viên văn hóa đa năng tại nhà máy xi măng Long Thọ, cồn Dã Viên, chợ du lịch. Triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Đầu tư hạ tầng hệ thống du lịch thông minh (Wifi, camera,...) triển khai các ứng dụng du lịch thông minh phục vụ phát triển du lịch. Triển khai Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” nhằm phát huy giá trị ẩm thực phục vị phát triển du lịch. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch các sản phẩm, tour du lịch đặc thù kết nối các địa phương trong Vùng KTTĐMT, miền Trung và Tây Nguyên. Hỗ trợ các thủ tục triển khai dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airline).

[...]