Kế hoạch 5941/KH-UBND năm 2023 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm 2024-2026 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 5941/KH-UBND
Ngày ban hành 05/09/2023
Ngày có hiệu lực 05/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5941/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 05 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM 2024 - 2026 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Công văn số 4431/BTNMT-KHTC ngày 16/6/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm giai đoạn 2024 - 2026 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Nam với các nội dung cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2022 VÀ NĂM 2023

1. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) ở địa phương năm 2022 và năm 2023

1.1. Việc thi hành và tuân thủ pháp luật về BVMT

Trong thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, ban hành Chương trình công tác phát triển kinh tế xã hội hàng năm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả chủ yếu trên các lĩnh vực, trong đó nhiệm vụ quản lý, BVMT luôn được tỉnh Quảng Nam xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 01/01/2022 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, để triển khai thực hiện các quy định, nhiệm vụ về công tác quản lý, BVMT theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ[1], Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ[2], UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 30/5/2022 về kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND ngày 24/10/2022 về quy định công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 quy định mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ quản lý, sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh; giao các Sở, ngành liên quan và địa phương chủ động thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công, kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có hoạt động xả thải vào môi trường không khí, vào các lưu vực sông, ra biển; hoàn thành công tác lập, phê duyệt Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam năm 2021 “Chất lượng môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp” tại Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 06/7/2022, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam...

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, địa phương tích cực phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể trên địa bàn triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Bảo vệ môi trường 2020, các văn bản pháp luật dưới Luật đến các hội viên phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi,...; cán bộ cấp xã, phường, thị trấn; các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với túi nilon, các chương trình đổi rác thải lấy quà tặng, phát động Đạp xe vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6), Tháng hành động vì môi trường trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả chương trình liên tịch giữa Ngành Tài nguyên và Môi trường với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội; lồng ghép tuyên truyền về trách nhiệm BVMT với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ủy ban Mặt tận tổ quốc Việt Nam các cấp; các Hội, đoàn thể đã tổ chức phát động, thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình, phong trào, cuộc vận động về BVMT[3], nhiều cơ sở tôn giáo triển khai và đưa nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hằng năm của tổ chức tôn giáo.

- Chỉ đạo các đơn vị, địa phương về tăng cường công tác phối hợp, xây dựng quy chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, ứng phó giải quyết các vấn đề môi trường, sự cố về môi trường phát sinh trên địa bàn.

1.2. Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT

1.2.1. Trong công tác chủ động, ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong thời gian qua, công tác chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu được tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ[4], Chương trình số 24-CTr/TU ngày 27/8/2013 của Tỉnh ủy Quảng Nam, Quyết định số 1633/QĐ-BTNMT ngày 20/8/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị[5]...Thực hiện lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu vào hồ sơ Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023; triển khai các nội dung giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định giảm nhẹ phát thải phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020[6]; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh với việc ban hành Kế hoạch số 806/KH-UBND ngày 11/02/2022, tổ chức “Cuộc thi trên Internet về- công tác phòng ngừa, ứng phó, thích ứng khắc phục hậu quả thiên tai tỉnh Quảng Nam”, thực hiện chuyên mục tuyên truyền về phòng, chống thiên tai - chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trên cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, đến nay hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin cơ bản về chủ động ứng phó khi thời tiết cực đoan xảy ra.

Hàng năm, các Sở ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; xây dựng Phương án ứng phó và Kịch bản ứng phó với từng tình huống bão, lũ để đảm bảo yêu cầu ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, thực hiện kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các đơn vị quản lý công trình thực hiện công tác quản lý an toàn đập. Nâng cấp sửa chữa hàng chục km kè sông, biển[7]; nâng cấp, sửa chữa, kiên cố trên 10 km đê sông, đê biển, thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính[8], tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững...

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu là lĩnh vực tương đối rộng, việc xác định, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực phức tạp, nguồn lực của tỉnh vẫn còn hạn chế, một số nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đã đề ra nhưng đến nay vẫn chưa đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện, công tác lồng ghép phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương vẫn còn thiếu đồng bộ; thiếu cán bộ chuyên trách, chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án tại địa phương còn chậm; vấn đề quy hoạch, đầu tư hạ tầng thoát nước, chống ngập, việc quy hoạch, bố trí các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi mục đích sử dụng đất có khả năng cản trở, gây co hẹp dòng chảy, nguy cơ gia tăng rủi ro thiên tai trước tình hình thời tiết cực đoan xảy ra...

1.2.2. Trong công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường

Hiện nay, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, tạo chủ động và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Qua đó, cơ cấu sử dụng giữa các loại đất đã được chuyển đổi phù hợp với quá trình đô thị hóa, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển[9]. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, thẩm định giá đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Rà soát, kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp giao đất, cho thuê đất đã quá thời hạn quy định nhưng chưa xây dựng hoặc xây dựng kéo dài chưa đưa vào sử dụng. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản và vai trò giám sát của chính quyền địa phương và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp được cấp phép và tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tập trung ở các loại khoáng sản như cát, sỏi lòng sông, vàng, đất san lấp.

Cải thiện môi trường và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các Khu[10], Cụm công nghiệp[11], đô thị[12], bảo vệ môi trường khu vực nông thôn[13] trên địa bàn; tổ chức đấu nối quan trắc tự động đối với một số nhà máy sản xuất có xả thải ra môi trường[14]; chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có hoạt động xả thải vào môi trường không khí, vào các lưu vực sông, ra biển. Chú trọng xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, hồ; ứng phó và khắc phục hiệu quả các sự cố môi trường. Nhìn chung, tình hình môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản được kiểm soát, không xảy ra sự cố môi trường lớn trong năm, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được khắc phục, đưa ra khỏi danh mục. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về môi trường, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020, các văn bản dưới Luật được chủ động, kịp thời cho nhiều đối tượng trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng dân cư tích cực tham gia, phát huy vai trò, trách nhiệm phản biện, theo dõi giám sát, tố giác tội phạm về môi trường...

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn môt số tồn tại, khó khăn nhất định: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương; vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai trong quá trình hoạt động khoáng sản, còn nợ thuế, chậm thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một số dự án trên địa bàn tỉnh còn kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư và đời sống của người dân. Việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, công trình xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, khu dân cư và các cụm công nghiệp còn chậm. Công tác phân loại chất thải rắn hiện chưa đạt hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô hộ gia đình xen lẫn trong khu dân cư còn nhiều…

1.3. Đánh giá các chỉ tiêu môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

So với 15 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có 04 chỉ tiêu về môi trường gồm: tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom xử lý và tỷ lệ che phủ rừng.

Theo kết quả đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2022 cho thấy 02/04 chỉ tiêu môi trường cơ bản đạt so với chỉ tiêu đề ra, đối với chỉ tiêu về tỷ lệ dân số nông thôn sử dựng nước hợp vệ sinh năm 2022 đạt 95,7%, so với kế hoạch năm 2023 ước đạt 95,8%; tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 59,5%, so với kế hoạch năm 2023 ước đạt 60%; tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 82,5%, so với kế hoạch năm 2023 ước đạt 83%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 97%, so với kế hoạch năm 2023 ước đạt 98%.

1.4. Đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm chỉ đạo giải quyết kịp thời vấn đề nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 đơn vị (Công ty TNHH Lavergne Việt Nam Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn Miền Trung, Công ty TNHH bao bì Tấn Đạt) có hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hiện 03 đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, riêng Công ty TNHH Lavergne Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường số 45/GPMT-BTNMT ngày 27/02/2023. Trong quá trình hoạt động sản xuất, các đơn vị đều tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến phế liệu cũng như vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu tại cơ sở cần phải xử lý.

1.5. Đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn (CTR):

- Công tác giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại CTR tại nguồn: tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 29/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam[15], thực hiện phê duyệt Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 2625/QĐ-UBND ngày 30/9/2022. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh phát động và tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông, biện pháp giảm thiểu và giải pháp thay thế nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy tại cơ quan, đơn vị. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển bền vững (BUS), các chuyên gia xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về truyền thông phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh, biên soạn tài liệu phục vụ xây dựng Sổ tay phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, hiện nay giá thành của túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần quá rẻ, mang tính thuận tiện đang được sử dụng rất phổ biến so với các sản phẩm cùng chức năng; thói quen, việc thay đổi nhận thức, thiếu nguồn lực trong việc đầu tư trang thiết bị hỗ trợ thực hiện phân loại CTR tại nhà, phương tiện thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sau phân loại còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến hiệu quả công tác phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

- Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH): Việc triển khai được thực hiện thường xuyên, liên tục từ công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, kiện toàn, mở rộng mạng lưới thu gom, quy hoạch vị trí các khu xử lý CTR[16], thực hiện đầu tư xây dựng một số dự án trọng tâm về xử lý CTR sinh hoạt tập trung của tỉnh như: phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: Thu gom nước mặt Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2; Đóng cửa bãi rác Đại Hiệp; Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam, đưa Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam vào vận hành, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn. Chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công tác xử lý rác thải tại các Khu xử lý rác thải tập trung Tam Nghĩa, Tam Xuân 2 - huyện Núi Thành và kịp thời xử lý, chủ động khắc phục khi có sự cố xảy ra.

[...]