Kế hoạch 161/KH-UBND phòng, chống bệnh truyền nhiễm tỉnh Đắk Nông năm 2024

Số hiệu 161/KH-UBND
Ngày ban hành 13/03/2024
Ngày có hiệu lực 13/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 13 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2024

Phần thứ nhất

Tình hình và kết quả công tác Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

- Năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 5.608 trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm (BTN), 05 trường hợp tử vong1. Trong đó, bệnh có số mắc, nguy cơ cao: Bệnh COVID-19: 1.006 ca; bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD): 1.589 ca; bệnh Tay chân miệng: 652 ca; bệnh Tiêu chảy: 754 ca; bệnh Thủy đậu: 393 ca; bệnh Viêm gan vi rút B: 365; bệnh Viêm gan vi rút khác: 491 ca; các bệnh truyền nhiễm khác tương đối ổn định.

- Tình hình dịch bệnh mới nổi, tái nổi có thể xâm nhập vào tỉnh Đắk Nông: Bệnh Đậu mùa khỉ (Monkeypox); bệnh Cúm A (H5N1); bệnh Whitmore; Bệnh do virus Nipah.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH NĂM 2023

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát số mắc và hạn chế tử vong, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch2, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương; tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng phòng, chống dịch liên quan; sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp; đặc biệt là sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã đạt được những kết quả nhất định.

- Đối với các bệnh lưu hành tại địa phương: Ngay khi một số bệnh truyền nhiễm ghi nhận số mắc, số tử vong tăng cao như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Thủy đậu, Đau mắt đỏ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch; đối với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành thường xuyên giám sát, đánh giá và tham mưu các giải pháp hiệu quả, kịp thời.

- Chỉ đạo các đơn vị tuyến tỉnh trực tiếp hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên tổ chức các cuộc họp tham vấn với các tổ chức, cơ quan chuyên môn. Đặc biệt là thực hiện phương châm 04 tại chỗ; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2023 cụ thể (cụ thể Phụ lục 1 chi tiết kèm theo)

Năm 2023, tình hình các bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát; COVID-19 đã chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B góp phần quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bệnh SXHD có số mắc giảm so với năm 2022 nhưng diễn biến bệnh rất phức tạp; bệnh Tay chân miệng, Thủy đậu, Đau mắt đỏ số mắc tăng so với năm 2022 nhưng được kiểm soát kịp thời; trong tỉnh không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nhóm A như Tả, Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), cúm A (H5N6).

3. Khó khăn, thách thức

- Dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện, miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.

- Các dịch bệnh đang lưu hành tại tỉnh Đắk Nông như: SXHD, Thủy đậu, Tay chân miệng, Dại vẫn còn ghi nhận năm sau thường cao hơn năm trước, công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, hộ gia đình còn hạn chế, trong đó ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh chưa cao.

- Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là khu vực dân tộc thiểu số sinh sống. Số liều vắc xin được Bộ Y tế cấp rất thấp so với nhu cầu của địa phương.

- Việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị chống dịch, vắc xin vẫn còn khó khăn; một số quy định về tài chính chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa cụ thể, dẫn đến vướng mắc khi tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn.

4. Nguyên nhân

- Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa, di dân và các thói quen cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh, xuất hiện, lây lan và bùng phát.

- Việc hướng dẫn, cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Hạn chế trong đầu tư, huy động nguồn lực xã hội dẫn đến hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của xã hội và nhu cầu của người dân.

- Sự vào cuộc của chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân cấp xã) còn rất hạn chế, trong đó việc kiểm tra, giám sát và đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng hầu như chưa thực hiện.

- Sự phối hợp của một số hộ gia đình, người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, hộ gia đình chưa đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế và chưa thường xuyên. Nhất là hành vi và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Phần thứ hai

Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

[...]