Kế hoạch 151/KH-UBND năm 2021 về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 151/KH-UBND
Ngày ban hành 18/06/2021
Ngày có hiệu lực 18/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC TỒN TẠI, XỬ LÝ VI PHẠM CÁC CÔNG TRÌNH CHƯA ĐƯỢC NGHIỆM THU VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐÃ ĐƯA VÀO HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 430 vụ cháy đối với công trình không thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, gây thiệt hại lớn về người và tài sản[1]. Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về PCCC, đồng thời không để phát sinh công trình vi phạm mới trên địa bàn Thành phố, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Mục đích

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC của các cấp chính quyền trên địa bàn Thành phố.

- Kiên quyết không để phát sinh mới các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động.

- Từng bước khắc phục, làm giảm số công trình tồn tại vi phạm, không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC.

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở về việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC trên địa bàn Thành phố.

2. Yêu cầu

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan cần xác định rõ vai trò và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCC, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Công an Thành phố với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để xử lý dứt điểm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động.

- Đôn đốc khắc phục, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân để công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; gắn trách nhiệm quản lý theo lĩnh vực của cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ngành, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan.

- Xây dựng lộ trình thực hiện, xác định cụ thể nội dung công việc, yêu cầu về thời gian thực hiện, chất lượng, kết quả đạt được và quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Thời gian thực hiện: Từ 15/6/2021 đến 15/6/2025.

II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; chú trọng tuyên truyền việc thực hiện trách nhiệm, chấp hành quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư, xây dựng công trình, các nguy cơ, nguyên nhân tiềm ẩn gây cháy, nổ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ việc đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Đồng thời khuyến cáo, cảnh báo người dân, người lao động không thuê, mua nhà, làm việc, sinh sống tại các công trình vi phạm, tạo áp lực buộc chủ đầu tư thực hiện.

2. Tổng kiểm tra, rà soát, thống kê, lập danh sách số công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động (trong đó cần xác định rõ tên chủ đầu tư; địa chỉ xây dựng, số lỗi còn tồn tại, vi phạm cần khắc phục, bao gồm cả vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, đô thị) báo cáo UBND Thành phố.

3. Thực hiện nghiêm túc công tác phê duyệt, thẩm định, thẩm duyệt, cấp phép đối với các dự án công trình xây dựng mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn quản lý ngay từ ban đầu; kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm, sai phạm về xây dựng, PCCC trong quá trình thi công; kiên quyết xử lý nghiêm và xử lý ngay, xử lý dứt điểm không để phát sinh mới các công trình vi phạm tái diễn.

4. Biện pháp thực hiện cụ thể đối với công trình vi phạm đang tồn tại:

a) Đối với công trình thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố: Tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND.

b) Đối với công trình chưa nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động kể từ ngày 04/10/2001 (sau thời điểm Luật PCCC có hiệu lực thi hành), UBND cấp huyện nơi có công trình vi phạm chủ trì thực hiện:

- Yêu cầu xử lý nghiêm, tạm đình chỉ, đình chỉ các trường hợp vi phạm, sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; việc tạm đình chỉ có thể giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất và theo nguyên tắc nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ; việc đình chỉ có thể thực hiện đối với từng bộ phận hoặc toàn bộ cơ sở.

- Đăng tải công khai tên, địa chỉ, chủ đầu tư công trình vi phạm, trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để người dân biết và giám sát.

- Tổ chức mời các chủ đầu tư có công trình vi phạm (có mời các đơn vị chức năng có liên quan cùng tham gia để làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị gắn với từng công trình vi phạm cụ thể) để họp bàn, thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện.

- Yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian thực hiện; giao các phòng, ban, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cấp xã đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư.

- Quá trình thực hiện cần ưu tiên khắc phục trước những nội dung tồn tại có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khi xảy ra cháy có nguy cơ cao dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

c) Đối với các khó khăn, vướng mắc không thể khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đến PCCC hiện hành, tổng hợp, báo cáo, đề xuất, xin ý kiến các cấp Bộ, ngành giải pháp thực hiện theo quy định của pháp luật.

[...]