Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 149/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2018
Ngày có hiệu lực 25/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Thị Thu Thủy
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 25 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2017-2025

Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025”; Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 3615/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 18/11/2011 phê duyệt Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mc tiêu chung

- Đổi mới dạy và học ngoại ng, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12); nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập, giao tiếp và làm việc; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025. Tăng cường tổ chức dạy tiếng Trung, triển khai dạy thí điểm tiếng Nhật.

- Đổi mới công tác khảo thí tiếng Anh, thực hiện đánh giá chất lượng giảng dạy ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra.

- Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh: Triển khai các chương trình dạy và học ngoại ngữ mới, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

2. Mc tiêu cthể

2.1. Đối với giáo dục mầm non: Đến năm 2020, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2.2. Đối với giáo dục phổ thông: Đến năm 2025, 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12). Tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

a. Đối với giáo dục tiểu học: Triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 là môn học bắt buộc. Từ năm học 2018-2019, triển khai dạy tiếng Anh tiểu học cho khoảng 60% số học sinh từ lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt 100% vào năm học 2023-2024 đối với khu mực miền núi; 70% số học sinh từ lớp 3 vào năm học 2018-2019 và 100% vào năm học 2022-2023 đối với khu vực còn lại.

b. Đối với giáo dục trung học:

- Tiếp tục triển khai chương trình ngoại ngữ mới tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

+ Từ năm học 2022-2023, triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh 10 năm cho 100% số học sinh lớp 6,7,8,9. Tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023-2025 và những năm tiếp theo.

+ Từ năm học 2023-2024 triển khai dạy cho 100% học sinh lớp 10 theo chương trình tiếng Anh 10 năm.

- Tiếp tục triển khai dạy tiếng Pháp trên địa bàn tỉnh; từng bước tăng cường tổ chức dạy tiếng Trung tại các địa phương ở gần biên giới với Trung Quốc.

- Triển khai dạy thí điểm tiếng Nhật là ngoại ngữ 2 đối với một số trường trên địa bàn có điều kiện phù hợp.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình dạy và học môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long; triển khai dạy môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở có đủ điều kiện.

2.3. Đối với giáo dục thường xuyên

- Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trong dạy và học ngoại ngữ ngoài nhà trường và tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Anh (có sự tham gia của người nước ngoài) cho học sinh các trường phổ thông vào ngoài giờ chính khóa. Khuyến khích các trung tâm ngoại ngữ tổ chức tăng cường dạy học tiếng Trung tại các địa phương khu vực biên giới gn Trung Quốc.

- Thực hiện các chương trình dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục thường xuyên đáp ứng cơ bản nhu cầu đa dạng của xã hội.

- Thực hiện tốt các chương trình bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ), ưu tiên các chương trình tự bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ).

2.4. Đối với giáo dục nghề nghiệp

- Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thng giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2020, tập trung chủ yếu vào công tác rà soát năng lực tiếng Anh của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy - học của nhà giáo tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và điều chỉnh lộ trình áp dụng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ đạt Bậc 2 đối với học sinh tốt nghiệp trung cấp và Bậc 3 đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ gắn với giáo dục nghề nghiệp; Đến năm 2025, 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra đối với các ngành, nghề đào tạo.

- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

[...]