Kế hoạch 143/KH-UBND năm 2021 về phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 143/KH-UBND
Ngày ban hành 16/06/2021
Ngày có hiệu lực 16/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Đức Thọ
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 16 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, giai đoạn 2021-2030.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 752/SNN-PTNT ngày 14/4/2021, Văn bản số 1011/SNN-PTNT ngày 18/5/2021, Văn bản số 1191/SNN-PTNT ngày 07/6/2021, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp giai đoạn 2021 -2025 với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

2. Yêu cầu

Các Sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp tại kế hoạch này; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và cụ thể hóa thành các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của ngành, địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chung các thành phố.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển hợp tác xã nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm Tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

- Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng.

- Đảm bảo đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 3376/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025 toàn thành phố có 310 hợp tác xã hoạt động thường xuyên có hiệu quả, trong đó: Củng cố, duy trì 189 hợp tác xã đang hoạt động (tại các huyện: 171 HTX, tại các quận: 18 HTX); thành lập mới 121 hợp tác xã (tại các huyện: 120 HTX, tại quận Dương Kinh: 01 HTX).

- Đối với các xã xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu: mỗi xã có ít nhất 2 hợp tác xã kiểu mới liên kết sản xuất có hiệu quả.

- Phấn đấu trong số 310 hợp tác xã hoạt động, có 17% hợp tác xã đạt loại tốt, 18% hợp tác xã đạt loại khá (theo tiêu chí phân loại HTX tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Củng cố, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động

- Hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tập trung vào các nội dung: chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý kỹ thuật cho cán bộ quản lý điều hành và thành viên HTX; tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm thực tế về các mô hình, dự án, cách làm hay có hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài thành phố.

- Có chính sách sử dụng cán bộ trẻ đã qua đào tạo có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp.

- Có chính sách cho các hợp tác xã vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất chế biến sản phẩm.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người nông dân hoạt động có hiệu quả.

- Hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm để đảm bảo nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, hàng hóa; tập trung vào các loại công nghệ: Công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ trong canh tác nuôi trồng, bảo quản; công nghệ tự động hóa, bán tự động hóa; công nghệ tin học trong quản lý và sản xuất kinh doanh ở hợp tác xã.

- Hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy kết nối phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong và ngoài nước.

[...]