Kế hoạch 128/KH-UBND năm 2021 về hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng Hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 128/KH-UBND
Ngày ban hành 16/04/2021
Ngày có hiệu lực 16/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG
THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 16 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỘI QUÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 -2025

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HỘI QUÁN

1. Tình hình hoạt động Hội quán

Thực hiện Kết luận số 243-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoạt động Hội quán trên địa bàn Tỉnh và Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 21/01/2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Kết luận số 243-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoạt động Hội quán trên địa bàn Tỉnh. Kết quả thực hiện như sau:

- Tính đến 04/03/2021, toàn Tỉnh có 110 Hội quán với tổng số hội viên là 5.945 hội viên; có 27[1] Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập từ 28[2] Mô hình Hội quán. Ban Chủ nhiệm được cơ cấu từ 3-9 thành viên là những nông dân ưu tú, có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tập hợp các thành viên và liên kết trong các hoạt động của Hội quán.

- Hầu hết các Hội quán có nội dung hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể: có 79 Hội quán hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, 10 Hội quán hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và 11 Hội quán thuộc nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp. Còn lại 10 Hội quán thuộc các lĩnh vực khác như kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột,... Hầu hết các Hội quán đều tổ chức tốt việc sinh hoạt định kỳ để triển khai kịp thời đến các thành viên các thông tin về chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội, hỗ trợ trong sản xuất, kế hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm Hội quán còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ các thành viên Hội quán định hướng phát triển trong sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Trong thời gian qua, việc hỗ trợ Hội quán được các sở, ngành có liên quan thực hiện hỗ trợ lồng ghép với nhiều nội dung như: hỗ trợ đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của Ban Chủ nhiệm Hội quán và thành viên Hội quán[3]; hỗ trợ phát triển các Hội quán có mô hình hay, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất[4]; triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ trong các lĩnh vực[5]; thực hiện xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, hỗ trợ phát triển bao bì, nhãn hiệu, thương mại điện tử cho sản phẩm Hội quán; Hỗ trợ, hướng dẫn các Hội quán có đủ điều kiện để thành lập Hợp tác xã.

2. Đánh giá chung

2.1. Thuận lợi

- Công tác phát triển Hội quán được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Trong đó, có 03 huyện (gồm: huyện Cao Lãnh, Châu Thành và Tân Hồng) đã thành lập Hội quán tại tất cả các xã và thị trấn.

- Công tác triển khai, phối hợp thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Tỉnh được các Sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kết hợp với lồng ghép có hiệu quả các chương trình, hội nghị khác đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện.

- Hoạt động mô hình Hội quán góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và tạo ra sản phẩm chất lượng[6] và xây dựng được mã vùng trồng, nhãn hiệu[7] riêng cho nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

- Mô hình hội quán hoạt động hiệu quả tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động thành lập Hợp tác xã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí Xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Nhận thức của người nông dân, người sản xuất cũng như các thành viên Hội quán ngày càng được nâng cao thông qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt Hội quán và các lớp tập huấn, chương trình, hội nghị các quy định nhà nước về an toàn thực phẩm và các điều kiện để liên kết tiêu thụ nông sản, về ứng dụng Internet trong khai thác tìm kiếm thông tin, khai thác thị trường nông sản cũng như các kiến thức thực tế về nhu cầu, điều kiện cần có của các nông sản trong thị trường nông sản hiện nay.

2.2. Khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những thuận lợi, Mô hình Hội quán đang gặp một số khó khăn hạn chế sau:

- Do đây là mô hình mới được thành lập nên bước đầu còn gặp không ít khó khăn trong khâu tổ chức, điều hành, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, chưa thu hút hội viên, số lượng hội viên tham gia các buổi sinh hoạt chưa đầy đủ.

- Việc liên kết giữa các hội quán với doanh nghiệp trong sản xuất chưa nhiều và chưa mang tính ổn định. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất có quy mô lớn, chưa có mã vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc,chưa tạo được sự cạnh tranh trong cung cầu hàng hóa, nông sản.

- Một số Ban chủ nhiệm hội quán còn thiếu tự tin trong tổ chức, điều hành hoạt động của Hội quán và kỹ năng tuyên truyền của Ban chủ nhiệm chưa đủ sức thuyết phục. Vì vậy, vai trò định hướng phát triển Hội quán chưa được phát huy một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, một số thành viên Hội quán chưa thật sự gắn bó với Hội quán và chưa tích cực sinh hoạt đầy đủ và thường xuyên.

- Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương được tổ chức nhưng sự tham dự của hội quán chưa nhiều do hạn chế về năng lực cung ứng hàng hóa, khả năng tổ chức liên kết, chất lượng sản phẩm, nông sản của Hội quán chưa đáp ứng và các vấn đề liên quan đến tư cách pháp nhân để ký kết các hợp đồng cung ứng hàng hóa nên đầu ra sản phẩm của hội quán còn gặp nhiều khó khăn.

- Áp dụng khoa học kỹ thuật các thành viên Hội quán còn hạn chế, đạt hiệu quả chưa cao, chưa có nhiều mô hình hay, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nên chưa có sự lan tỏa đến từng thành viên Hội quán.

- Chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho các Hội quán, kết quả hỗ trợ đạt được từ các hoạt động lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành và địa phương, chưa có nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ dành riêng cho các Hội quán.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021 -2025

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục phát huy phương châm “Tự lực-hợp tác-chăm chỉ-tiết kiệm” và duy trì tính hiệu quả các hoạt động của các hội quán trong phát triển kinh tế cộng đồng tại địa phương.

- Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội quán trên địa bàn Tỉnh theo định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng theo nhu cầu thị trường, sản phẩm của Hội quán đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn sản xuất theo quy định gắn với liên kết tiêu thụ.

- Tập trung phát triển các Hội quán gắn với sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của địa phương, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm làm tăng giá trị sản phẩm, nông sản của Hội quán góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

[...]