Kế hoạch 135/KH-UBND năm 2020 về hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Tuyên Quang thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Số hiệu 135/KH-UBND
Ngày ban hành 28/12/2020
Ngày có hiệu lực 28/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 28 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 CỦA TỈNH TUYÊN QUANG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 46/KH-UBND, số 47/KH-UBND ngày 21/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP, Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 172-KH/TU; Kế hoạch số 173-KH/TU ngày 06/3/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, về công tác dân số trong tình hình mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Tuyên Quang thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với những nội dung cụ thể như sau:

Phần thứ nhất:

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG THỜI GIAN QUA

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Quy mô dân số và mức sinh

Qua 27 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình và sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/03/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 14/8/2005 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”, Chỉ thị số 49- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Công tác dân số tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô dân số tăng ở mức ổn định từ năm 1999 là 677.300 người tăng lên 725.188 người vào năm 2009 và đến năm 2019 là 786.258 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm giảm từ 1,0% (giai đoạn 1999-2009) xuống còn 0,8% (giai đoạn 2009-2019). Ước tính quy mô dân số của tỉnh Tuyên Quang đạt 830.285 người vào năm 2025.

Mục tiêu giảm sinh hàng năm duy trì ở mức 0,2‰, số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (TFR) giảm từ 2,2 con/phụ nữ năm 2003 xuống còn 2,1 con/phụ nữ năm 2009; tỷ suất sinh thô giảm từ 18,7‰ năm 2003 xuống còn 18‰ năm 2009 và năm 2019 là 16,3‰; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 1,27% năm 2003 xuống còn 1,18% năm 2009 và năm 2019 là 0,92%.

2. Cơ cấu dân số

Cơ cấu dân số đã thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh. Dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) năm 2019 là 63,9% so với tổng dân số toàn tỉnh.

Giai đoạn 2009 - 2019, tỷ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển rất tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ chiếm 33,3% (năm 2019); tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp chiếm 66,7% (năm 2019); Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo tăng rõ nét từ 12,4% năm 2009 tăng lên 19,2% năm 2018.

Tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 56,7%/tổng dân số toàn tỉnh vào năm 2019 (Toàn quốc là 14,7%; Trung du miền núi phía bắc là 56,2%).

3. Chất lượng dân số

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tỷ lệ trẻ sơ sinh sinh ra có trọng lượng dưới 2500gram giảm từ 3,12% năm 2010 xuống còn 2,5% năm 2019 là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng thể gầy còm (cân nặng/tuổi) giảm từ 19,1% năm 2009 xuống còn 13,5% năm 2019; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo chiều cao/tuổi giảm từ 35,2% năm 2007 xuống còn 24,0% năm 2019; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi (IMR) giảm từ 10,95‰ năm 2009 xuống còn 3,7‰ năm 2019 (tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi của toàn quốc năm 2019 là 14‰); tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) cũng giảm từ 13,21‰ năm 2009 xuống còn 5,2‰ năm 2019 (Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi của toàn quốc năm 2019 là 21,0‰). Tỷ số tử vong bà mẹ (MMR) giảm từ 22,64‰ năm 2009 xuống còn 0,08‰ năm 2019 (Tỷ số tử vong mẹ toàn quốc năm 2019 là 0,46‰).

Mạng lưới tầm soát chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được mở rộng triển khai thực hiện trên 65% tổng số xã toàn tỉnh. Tuổi thọ trung bình của người dân Tuyên Quang cũng được nâng lên rõ rệt, năm 2009 tuổi thọ trung bình đạt 71,5 tuổi đến năm 2019 đạt 72,5 tuổi (Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95,8% (năm 2019); Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đạt 100% (năm 2019); tỷ lệ người cao tuổi có thẻ BHYT đạt 100% (năm 2019).

4. Phân bố dân số

Mật độ dân số đã có sự phân bố chênh lệch giữa các vùng thành thị và nông thôn, giữa vùng sâu, vùng xa. Năm 2009 mật độ dân số trung bình của tỉnh là 123 người/km2 đến năm 2019 là 134 người/km2. Tỷ lệ dân số sinh sống ở thành thị tăng từ 13,1% năm 2010 lên 13,8% vào năm 2019, còn lại chủ yếu sinh sống ở các vùng nông thôn và miền núi chiếm 86,2%.

5. Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số

- Công tác truyền thông giáo dục được xác định là giải pháp cơ bản, được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, ở cộng đồng, từng gia đình và từng đối tượng.

- Nội dung truyền thông đa dạng sinh động, dễ hiểu được đưa vào các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THCS, THPT, các buổi họp tổ dân phố tại cộng đồng.

- 100% cán bộ chuyên trách Dân số xã, phường, thị trấn đều có trình độ trung cấp y trở lên và được đào tạo chuẩn viên chức cấp xã; 100% cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản. Đây là đội ngũ tiên phong ở cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

- Tăng cường thời lượng phát sóng, chuyên mục chuyên trang trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh xã kết hợp cùng các sản phẩm truyền thông như panô, áp phích, tờ rơi, băng zôn tuyên truyền,… trong các buổi phát động Chiến dịch, các buổi lễ ra quân, mit tinh, cổ động, đã lan tỏa thấm sâu vào cộng đồng xã hội.

6. Dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình

- Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được mở rộng, phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ cũng được đổi mới. Đến nay, 100% trạm y tế xã đã có thể đáp ứng đầy đủ về cung cấp dịch vụ KHHGĐ, giúp người dân thuận tiện trong việc lựa chọn các phương tiện tránh thai (PTTT).

[...]