Kế hoạch 130/KH-UBND nâng cao Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 2017 và những năm tiếp theo

Số hiệu 130/KH-UBND
Ngày ban hành 17/07/2017
Ngày có hiệu lực 17/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 17 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2017 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) là bộ chỉ số nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng trên cơ sở lượng hóa kết quả triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) hằng năm của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ. Thông qua Chỉ số CCHC để xác định rõ mặt mạnh, yếu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; qua đó giúp cho UBND tỉnh có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai công tác CCHC hàng năm, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Chỉ số CCHC của tỉnh từ năm 2012 đến năm 2015 luôn được duy trì, cải thiện thứ hạng, tuy nhiên, năm 2016 chỉ số CCHC của tỉnh xếp hạng ở vị trí 52/63 các tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 28 bậc so với năm 2015, nằm trong nhóm D - Nhóm đạt chỉ số dưới 70% (Chi tiết theo các Phụ lục 1,2,3 và 4 gửi kèm).

Để cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lạng Sơn năm 2017 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành kế hoạch theo các nội dung dưới đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích

Khắc phục những tồn tại, hạn chế dẫn tới Chỉ số CCHC năm 2016 bị xếp thứ hạng thấp; xác định nhiệm vụ, giải pháp cho các cơ quan nhà nước cải thiện các chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan nhà nước của tỉnh.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong nỗ lực cải thiện chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh. Nâng cao kết quả xếp hạng chỉ số Cải cách hành chính tỉnh năm 2017 và các năm tiếp theo.

2. Yêu cầu

Việc thực hiện kế hoạch nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh phải thống nhất với Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch Cải cách hành chính tỉnh năm 2017, gắn với việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Tổ chức triển khai có hiệu quả việc cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC là nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong đó trọng tâm là các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các nhóm tiêu chí đánh giá xác định Chỉ số CCHC hằng năm của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể thực hiện theo Bảng 2 của Chỉ số CCHC cấp tỉnh (Ban hành kèm theo Quyết định số 4361/QĐ-BNV ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính

Ban hành kịp thời kế hoạch CCHC hằng năm và tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Kế hoạch; đảm bảo chế độ báo cáo theo đúng quy định của Bộ Nội vụ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và tổ chức về CCHC; tổ chức khảo sát, điều tra, nhằm đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cải cách hành chính của tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cơ quan nhà nước các cấp. Xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra, giám sát.

Nâng cao chất lượng, tính kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành CCHC của tỉnh. Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo; có những sáng kiến mới trong công tác CCHC, gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác thi đua, khen thưởng. Bố trí nguồn lực cho công tác CCHC.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tại tỉnh

Ban hành kịp thời kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; kiểm tra thực hiện văn bản QPPL tại tỉnh.

Rà soát, hướng dẫn các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL thuộc ngành và lĩnh vực được giao thực hiện. Rút kinh nghiệm về việc xây dựng kế hoạch rà soát, hệ thống hóa VBQPPL hàng năm bảo đảm kịp thời và hiệu quả, đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện theo kế hoạch đã đề ra và xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.

Nâng cao chất lượng văn bản QPPL do tỉnh ban hành: Mức độ phù hợp, tính khả thi, tính hiệu quả ...

3. Cải cách thủ tục hành chính.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; ban hành kịp thời kế hoạch rà soát, đánh giá, cập nhật thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định.

Thực hiện công tác rà soát, đánh giá tác động và kiểm soát TTHC đối với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn. Đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị; xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Kịp thời công bố, công khai đầy đủ TTHC và các TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo đúng quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

[...]