Kế hoạch 129/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 129/KH-UBND
Ngày ban hành 13/07/2023
Ngày có hiệu lực 13/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-UBND

Bình Định, ngày 13 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Thực hiện Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Đề án 535/QĐ-TTg); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Đề án 535/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu: Xác định nội dung, nhiệm vụ chính, lộ trình thời gian và biện pháp thực hiện để các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND cấp huyện chủ động phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Đề án 535/QĐ- TTg.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh

- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 535/QĐ-TTg.

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh và trình cấp thẩm quyền phê duyệt; xây dựng, cập nhật Kế hoạch ứng phó với các tình huống cơ bản thuộc lĩnh vực các sở, ngành phụ trách trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; bảo đảm sự phối hợp trong công tác triển khai thực hiện, phát triển và nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPSCTT và TKCN).

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện

- Tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án 535/QĐ-TTg đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý. Thực hiện đồng bộ, hài hòa các biện pháp bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”. Triển khai liên tục, kịp thời đảm bảo an toàn về người, tài sản, công trình và không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Đề xuất ban hành văn bản mới phù hợp với Đề án 535/QĐ-TTg; trong đó bao gồm xây dựng, rà soát kế hoạch ứng phó với các tình huống cơ bản theo quy định; cập nhật, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai và triển khai thực hiện. Rà soát, đầu tư trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS cùng cấp.

- Kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh hướng dẫn, xử lý những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án 535/QĐ-TTg.

3. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì, tổ chức thực hiện nội dung nhiệm vụ trong Phụ lục theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Tổ chức xây dựng 01 đại đội cơ động và 01 trung đội công binh phối hợp với các lực lượng khác sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ƯPSCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh. Đề xuất kiện toàn hệ thống cơ quan chỉ huy quân sự các cấp; kiện toàn các đội xung kích PCTT-TKCN thuộc quyền. Tổ chức công tác huấn luyện, tập huấn, diễn tập sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện triển khai thực hiện các phương án ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chủ động phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn xử lý các tình huống. Tham mưu UBND tỉnh triển khai đầu tư, mua sắm, cấp phát các trang thiết bị, phương tiện cho các đơn vị thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn của Quân khu, Bộ Quốc phòng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN, Bộ Quốc phòng, Quân khu và UBND tỉnh. Chủ trì công tác phòng thủ dân sự trong đó bao gồm công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ. Rà soát kế hoạch ứng phó sự cố động đất, sóng thần trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

4. Giao Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chủ trì, tổ chức thực hiện các dự án cụ thể trong Phụ lục theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Đề xuất kiện toàn hệ thống cơ quan chỉ huy biên phòng các cấp; kiện toàn các đội xung kích PCTT-TKCN thuộc quyền. Tổ chức công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực ứng phó, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra trên biển thuộc thẩm quyền.

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

- Phối hợp với lực lượng Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển và các chủ tàu cá trong ƯPSCTT và TKCN. Thông báo chủ tàu thuyền trên biển về diễn biến thời tiết nguy hiểm, di chuyển tránh bão, áp thấp nhiệt đới. Rà soát kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn tàu thuyền trên biển trình UBND tỉnh phê duyệt.

4. Giao Công an tỉnh

- Chủ trì, tổ chức thực hiện các dự án trong Phụ lục theo chỉ đạo của Bộ Công an. Kiện toàn các đội xung kích PCTT-TKCN thuộc quyền. Tổ chức công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực ứng phó. Sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền nhất là các vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng trên đất liền. Rà soát kế hoạch ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai đầu tư trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

5. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi quản lý. Tổ chức cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó thiên tai cấp tỉnh; phương án bảo vệ trọng điểm đê kè, hồ đập, nhất là tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh.

6. Giao Sở Giao thông Vận tải

[...]