Kế hoạch 128/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 128/KH-UBND
Ngày ban hành 11/07/2022
Ngày có hiệu lực 11/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 11 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2021-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi là Đề án) ban hành theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở tiếp nối và kế thừa các kết quả đạt được tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động Ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế.

- Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.

2. Mục tiêu cụ thể

- Triển khai thực hiện các ứng dụng Ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

- Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán.

- Phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn. Phấn đấu cuối năm 2025 không có QTND bị xếp loại yếu, bị kiểm soát đặc biệt.

- Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%. Duy trì, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức bằng hoặc dưới 2%.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp chung

1.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động Ngân hàng, về cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương cụ thể như sau:

- Triển khai thực hiện các quy định liên quan đến cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu của các TCTD tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan).

- Triển khai thực hiện các chính sách về đảm bảo an toàn hoạt động Ngân hàng, thanh tra, giám sát:

+ Các quy định về mức vốn pháp định của QTDND.

+ Các quy định về an toàn hoạt động, quản lý điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống QTDND phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung).

- Triển khai thực hiện các quy định về thành lập và hoạt động Ngân hàng số, chuyển đổi số và hoạt động thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số Ngân hàng, thanh toán Ngân hàng.

- Triển khai thực hiện các quy định về tín dụng xanh, Ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng Ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon.

1.2. Các giải pháp hỗ trợ

- Chỉ đạo TCTD trên địa bàn tỉnh tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng Ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng Ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

- Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát Ngân hàng:

+ Tăng cường, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng: Chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát Ngân hàng; tập trung thanh tra chuyên đề, trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực, đối tượng, nội dung liên quan đến rủi ro lớn, nguy cơ mất an toàn cao. Tăng cường đầu tư công nghệ hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát Ngân hàng.

+ Tiếp tục đổi mới công tác giám sát theo hướng: (i) Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh vận hành, ứng dụng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động của hệ thống các TCTD; (ii) Khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu hiện có của ngành Ngân hàng; (iii) Nâng cao khả năng phát hiện, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống tiền tệ, Ngân hàng.

+ Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực nghề nghiệp của cán bộ thanh tra, giám sát Ngân hàng.

[...]