Kế hoạch 4111/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" do tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 4111/KH-UBND |
Ngày ban hành | 30/06/2022 |
Ngày có hiệu lực | 30/06/2022 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Nguyễn Trúc Sơn |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4111/KH-UBND |
Bến Tre, ngày 30 tháng 6 năm 2022 |
Căn cứ Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, cụ thể như sau:
1. Triển khai thực hiện đồng bộ và nghiêm túc Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 689/QĐ-TTg); kế thừa kết quả của giai đoạn trước, khắc phục các tồn tại, hạn chế và chủ động ứng phó với những thách thức trong giai đoạn mới.
2. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong phạm vi, chức năng quản lý trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg; tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD trên địa bàn gắn với xử lý nợ xấu; hệ thống các TCTD trên địa bàn lành mạnh và phát triển bền vững, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD trên địa bàn ở mức dưới 3%.
3. Huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp để cơ cấu lại các TCTD trên địa bàn, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới, nâng cao năng lực tài chính của các TCTD trên địa bàn.
4. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán.
5. Phát triển các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữ các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.
6. Bảo đảm các chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
UBND tỉnh giao các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số công việc như sau:
1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh:
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
- Quán triệt, triển khai đến các TCTD trên địa bàn những chủ trương, định hướng phát triển của ngành ngân hàng, của tỉnh, bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn phát triển an toàn, lành mạnh, tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
- Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tiếp tục tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các công trình, dự án trọng điểm, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, hỗ trợ xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen.
- Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu do Hội sở chính ban hành; chỉ đạo, hướng dẫn các QTDND trên địa bàn xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 689/QĐ-TTg và hướng dẫn của NHNN Việt Nam trong đó tập trung vào các giải pháp: tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng; phê duyệt, giám sát và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện phương án của các QTDND trên địa bàn.
- Tiếp tục chấn chỉnh, củng cố, bảo đảm QTDND hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững của QTDND, phù hợp với nhu cầu, quy mô, địa bàn, mức tăng trưởng kinh tế tại địa phương, không để phát sinh QTDND yếu kém.
- Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặc biệt là các cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhằm bảo đảm thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế thiệt hại cho các TCTD trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan trong quản lý, thanh tra giám sát đối với hoạt động bảo hiểm, chứng khoán để ngăn ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật khi có phát sinh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngành ngân hàng; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục đổi mới công tác giám sát; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ngành tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về kết quả điều hành chính sách, hoạt động ngân hàng nói chung và công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD trên địa bàn gắn với xử lý nợ xấu nói riêng.
- Phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng với các cơ quan chức năng để có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
- Tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trên địa bàn theo quy định pháp luật.
Phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh, các sở, ngành tỉnh có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, giám sát đối với hoạt động bảo hiểm, chứng khoán để ngăn ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật phát sinh.
- Phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh tỉnh, các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.