Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 153/KH-UBND
Ngày ban hành 02/07/2022
Ngày có hiệu lực 02/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 02 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

Thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án), UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong việc triển khai thực hiện Đề án để đạt được các mục tiêu đề ra.

2. Yêu cầu

- Bám sát các mục tiêu, giải pháp của Đề án và triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Xác định nội dung và phân công nhiệm vụ, thời hạn, trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, các cơ quan liên quan và ngành Ngân hàng, đảm bảo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển hệ thống các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn theo hướng hoạt động chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch;

- Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của các chi nhánh TCTD trên địa bàn.

2. Mục tiêu cụ thể

- Triển khai áp dụng mô hình ngân hàng số theo chỉ đạo của từng hệ thống TCTD nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành, cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ;

- Đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán;

- Chú trọng phát triển các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ số; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển mạnh các kênh dịch vụ phi tín dụng nhằm tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Tăng tỷ trọng nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các ngành sản xuất, kinh doanh;

- Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các chi nhánh TCTD trên địa bàn, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp chung

Nghiên cứu, rà soát, tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tiền tệ, ngân hàng như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, các quy định, hướng dẫn về chế độ tài chính, chế độ kế toán để các TCTD áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam ban hành theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; các quy định về phát triển thị trường mua bán nợ, quản lý giám sát thị trường mua bán nợ, các văn bản quy phạm pháp luật về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu; các quy định thành lập và hoạt động ngân hàng số, chuyển đổi số và hoạt động thanh toán, các quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh… nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của TCTD.

2. Các giải pháp hỗ trợ

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, duy trì môi trường kinh doanh an toàn cho các chi nhánh TCTD trên địa bàn;

- Triển khai thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu, định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình cơ cấu lại TCTD. Chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen;

- Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng theo định hướng, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể:

+ Tăng cường đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng: chuyển từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát ngân hàng; tập trung thanh tra chuyên đề, trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực, đối tượng, nội dung liên quan đến rủi ro lớn, nguy cơ mất an toàn cao;

+ Tiếp tục đổi mới công tác giám sát theo hướng: (i) Nâng cao hiệu quả giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh vận hành, ứng dụng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động của hệ thống các TCTD; (ii) Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động thanh tra, giám sát; (iii) Nâng cao khả năng phát hiện, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống TCTD trên địa bàn;

+ Bổ sung nhân lực cho đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực nghề nghiệp của cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng.

[...]