Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2024 thực hiện Kế hoạch 451-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 125/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2024
Ngày có hiệu lực 01/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 125/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 01 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 451-KH/TU NGÀY 04/3/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25-CT/TW NGÀY 25/10/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Căn cứ Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 25-CT/TW);

Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Quyết định số 281/QĐ-TTg);

Thực hiện Kế hoạch số 451-KH/TU ngày 04/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Kế hoạch số 451-KH/TU).

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 451-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 451-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở; từ đó làm tốt công tác củng cố, phát triển đồng bộ, toàn diện, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng trong Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 451-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch đảm bảo đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội.

- Xác định rõ nội dung công việc và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý; đầu tư nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho tuyến y tế cơ sở gồm: trung tâm y tế huyện, thành phố, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý; đảm bảo 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.

- 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; 100% thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn.

- Duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

- 100% trung tâm y tế huyện (có giường bệnh) thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến; 100% trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã.

- Trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân.

- Đến năm 2025, có trên 75% số trưởng khoa, phó trưởng khoa ở bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện có trình độ chuyên khoa I hoặc tương đương trở lên và đến năm 2030, tỷ lệ này là 100%; đồng thời đảm bảo đội ngũ y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh có trình độ cao đẳng trở lên.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 451-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các lực lượng xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở đối với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khoẻ cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số; tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

- Đa dạng hoá nội dung và đổi mới hình thức truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân và phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phát huy vai trò người đứng đầu các cấp chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

[...]