Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2024 thực hiện Kế hoạch 197-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW “về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới” do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 176/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2024
Ngày có hiệu lực 31/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Lưu Trung
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 31 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 197-KH/TU NGÀY 07-3-2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY KIÊN GIANG VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ 25-CT/TW NGÀY 25/10/2023 CỦA BAN BÍ THƯ “VỀ TIẾP TỤC CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI”

Căn cứ Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới;

Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Kế hoạch số 197- KH/TU ngày 07-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư “về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới” (Kế hoạch số 197-KH/TU); Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 197-KH/TU như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân trong tỉnh; phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

2. Yêu cầu

- Triển khai đầy đủ, bám sát nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW và Kế hoạch số 197-KH/TU đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

- Nội dung Kế hoạch phải gắn với trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị đối với y tế cơ sở; việc thường xuyên củng cố, hoàn thiện nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý mạng lưới; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, gồm: Trung tâm y tế huyện, thành phố và trạm y tế xã, phường, thị trấn.

2. Mục tiêu cụ thể

* Phấn đấu đến năm 2030:

- Mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi ấp, khu phố có một nhân viên y tế được đào tạo theo chuẩn chuyên môn.

- Trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

- Trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả.

- Trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân.

- 100% trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

- 13 trung tâm y tế huyện được tập trung mua sắm trang thiết bị từ nguồn kinh phí Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế.

III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 25-CT/TW và Kế hoạch số 197-KH/TU đến các sở, ban ngành và các địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Người đứng đầu các sở, ban, ngành và các địa phương, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

- Thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và vai trò, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện và nâng cao hiệu quả các phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe toàn dân.

2. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong việc củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở

[...]