Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 124/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 124/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2022
Ngày có hiệu lực 15/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 15 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Tình hình động đất

- Những năm gần đây thảm họa động đất xảy ra ở một số Quốc gia trên thế giới (Chile, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Peru…) với mật độ dày và cấp độ mạnh hơn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Động đất rất khó dự báo trước, từ lúc xuất hiện các dấu hiệu đến khi xảy ra chỉ trong thời gian rất ngắn, rất khó để dự báo chính xác thời điểm và vị trí xảy ra động đất; khả năng dự báo chỉ dựa vào tài liệu thống kê tần suất xảy ra động đất trong lịch sử.

- Việt Nam nằm trong vùng có hoạt động kiến tạo trung bình trong kỷ địa chất hiện đại. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, động đất xảy ra ngày càng nhiều hơn, có năm ghi nhận hơn 10 trận động đất, điển hình là trận động đất năm 1935 tại lòng chảo Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên Phủ) với cường độ 6,75 độ Richter, trận động đất năm 1983 tại huyện Tuần Giáo/Điện Biên với cường độ 6,8 độ Richter. Đối với khu vực Tây nguyên, từ ngày 18 đến 21/4/2022, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 11 trận động đất có cường độ từ 2,5 đến 4,5 độ Richter. Vì vậy, việc xây dựng các tình huống cơ bản và phân công vai trò, nhiệm vụ chung đối với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm chủ động ứng phó kịp thời là yêu cầu cấp thiết trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng thủ dân sự và tìm kiếm cứu nạn.

- Hiện nay, sử dụng thang MKS-64 (có 12 cấp) để đánh giá cường độ chấn động do động đất gây ra, cụ thể:

+ Cấp I (từ 1,0 đến 2,9 độ Richter): Động đất không cảm nhận được, chỉ có máy mới ghi nhận được.

+ Cấp II (từ 3,0 đến 3,4 độ Richter): Động đất ít cảm nhận được (rất nhẹ); trong những trường hợp riêng lẻ, chỉ có người nào đang ở trạng thái yên tĩnh mới cảm nhận được.

+ Cấp III (từ 3,5 đến 3,9 độ Richter): Động đất yếu; ít người nhận biết được động đất; chấn động y như được tạo ra bởi một ô tô vận tải nhẹ chạy qua.

+ Cấp IV (từ 4,0 đến 4,4 độ Richter): Động đất nhận thấy rõ; nhiều người nhận biết động đất, cửa kính có thể kêu lạch cạch, các đồ vật nhỏ có thể bị dịch chuyển.

+ Cấp V (từ 4,5 đến 4,9 độ Richter): Thức tỉnh; nhiều người ngủ bị tỉnh giấc, đồ vật treo đu đưa, rung chuyển đồ vật trong nhà.

+ Cấp VI (từ 5,0 đến 5,4 độ Richter): Mọi người cảm thấy động đất, việc đi lại khó khăn, nhà cửa bị hư hại nhẹ, lớp vữa bị rạn.

+ Cấp VII (từ 5,5 đến 5,9 độ Richter): Hư hại nhà cửa; nhiều người khó đứng vững, lái xe khó di chuyển đúng hướng, tường bị rạn nứt.

+ Cấp VIII (từ 6,0 đến 6,8 độ Richter): Phá hoại nhà cửa; tường nhà bị nứt lớn, mái hiên và ống khói bị rơi; các ngôi nhà có nền yếu và một số công trình, cầu cống bị hư hỏng; rất khó khăn, nguy hiểm cho người lái xe.

+ Cấp IX (từ 6,9 đến 7,5 độ Richter): Hư hại hoàn toàn nhà cửa, nhất là nhà cao tầng; một số nhà bị sụp đổ, tường, mái, trần bị sập, nền đất có thể bị nứt rộng 10 cm; phá huỷ các công trình giao thông dưới lòng đất.

+ Cấp X (từ 7,6 đến 8,0 độ Richter): Phá hoại hoàn toàn nhà cửa; nhiều nhà bị sụp đổ, nền đất có thể bị nứt rộng đến 1 mét; sạt lở đường, núi.

+ Cấp XI (từ 8,1 đến 8,9 độ Richter): Thảm họa; hầu hết các công trình trên và dưới mặt đất đều bị hư hỏng nặng; nhà cửa, cầu cống, đập nước và đường nhựa, đường sắt bị hư hại nặng, mặt đất bị biến dạng, vết nứt rộng, sụp đổ lớn ở núi.

+ Cấp XII (từ 9,0 đến 10 độ Richter): Thay đổi địa hình; phá huỷ mọi công trình ở trên và dưới mặt đất, thay đổi địa hình trên diện tích lớn, thay đổi cả dòng sông, nhìn thấy mặt đất nổi sóng.

2. Tình hình địa phương

- Đắk Lắk nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 500 - 800m so với mực nước biển, địa hình thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc, nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn, khu vực có hoạt động kiến tạo của lớp vỏ Trái Đất tương đối ổn định, trong lịch sử chưa có xảy ra động đất. Các công trình nghiên cứu địa chấn, thống kê lịch sử về khả năng động đất xảy ra ở địa bàn tỉnh cho thấy khả năng xảy ra động đất là rất hiếm song không có nghĩa là hoàn toàn không xảy ra.

- Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (13 huyện, 01 thành phố, 01 thị xã), 184 xã, phường, thị trấn, 2.455 thôn, buôn, tổ dân phố; dân số khoảng 1,9 triệu người, có 49 dân tộc sinh sống; mật độ dân số thưa không tập trung, hệ thống nhà cửa phần lớn là nhà tạm và nhà cấp 4, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.

- Những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, tình hình kinh tế của tỉnh đã có những bước tăng trưởng khá, một số khu vực như thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, thị trấn Phước An, Ea Kar... có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại, dịch vụ … cài xen trong khu dân cư, khi thảm họa xảy ra sẽ gây khó khăn trong công tác ứng cứu và để lại hậu quả lớn.

3. Lực lượng ứng phó với thảm họa thiên tai của tỉnh

Thời gian qua, lực lượng ứng phó thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp luôn được củng cố, kiện toàn và đã phát huy vai trò quan trọng, chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong tổ chức hiệp đồng ứng phó khi xảy ra thảm họa, hiệu quả công tác phòng ngừa chưa cao; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đồng bộ.

II. NHIỆM VỤ PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT

1. Công tác phòng ngừa

- Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác dự báo, dự lường, quản lý rủi ro, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu về động đất.

[...]