Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 112/KH-UBND
Ngày ban hành 27/07/2022
Ngày có hiệu lực 27/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Trịnh Việt Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 27 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần; sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tại Tờ trình số 2608/TTr-BCH ngày 04/7/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; góp phần thực hiện tốt Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cơ quan, mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất; góp phần hoàn thiện hệ thống kế hoạch của tỉnh ứng phó các loại hình sự cố, thiên tai, thảm họa cơ bản, làm cơ sở cho các Sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện.

- Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất trên địa bàn tỉnh.

2. Dự báo tình hình có thể xảy ra

Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất có thể xảy ra (hoặc ảnh hưởng) đến địa bàn tỉnh Thái Nguyên được xác định theo kịch bản động đất cực đại, cụ thể như sau:

* Khu vực Tây Bắc

- Kịch bản động đất có độ lớn M = 7.2 xảy ra trên đứt gãy Sơn La tại tọa độ (Kinh độ 103.44, Vĩ độ 21.64) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Điện Biên, Sơn La; cấp 3 - 4 tại một số khu vực tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và cấp 1 - 3 tại khu vực tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Phú Thọ.

- Phạm vi tác động: Phạm vi tác động của dư chấn động đất có thể xảy ra ở các huyện Định Hóa, Đại Từ, một phần huyện Phú Lương, Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên.

* Khu vực Đông Bắc

- Kịch bản động đất có độ lớn M = 5.5 xảy ra trên đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên tại tọa độ (Kinh độ 106.54, Vĩ độ 22.16) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Lạng Sơn, cấp 3 tại một số khu vực tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và cấp 1 tại một số khu vực tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang.

- Phạm vi tác động: Phạm vi tác động, ảnh hưởng của động đất (dư chấn động đất) có thể xảy ra ở các huyện Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai, một phần huyện Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên.

* Khu vực đồng bằng sông Hồng

- Kịch bản động đất có độ lớn M = 6.3 xảy ra trên đứt gãy sông Chảy tại tọa độ (Kinh độ 106.07, Vĩ độ 20.65) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại khu vực tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nội. Cấp 1 - 2 tại khu vực tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng và Vĩnh Phúc.

- Phạm vi tác động: Phạm vi tác động của dư chấn động đất có thể xảy ra ở thành phố Phổ Yên, một phần thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và huyện Phú Bình.

Khu vực có thể bị ảnh hưởng, thiệt hại: Toàn bộ địa bàn các huyện, thành phố đã được xác định theo các kịch bản; tuy nhiên, thiệt hại lớn tập trung vào các khu đô thị, khu dân cư, khu chung cư, nhà cao tầng; trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa; các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn của các huyện, thành phố của tỉnh.

3. Nội dung, nhiệm vụ

3.1. Công tác phòng ngừa

3.1.1. Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các Sở, ban, ngành địa phương; phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các lực lượng và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức của tỉnh; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa động đất.

- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng theo phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng ngành.

- Nâng cao hiệu quả công tác trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động giữa các Sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức của tỉnh.

3.1.2. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế, quy chế hoạt động phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế của địa phương.

[...]