Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Số hiệu 30/2017/NĐ-CP
Ngày ban hành 21/03/2017
Ngày có hiệu lực 05/05/2017
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phòng chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm: Hệ thống tổ chức, hoạt động ứng phó; giáo dục, huấn luyện, diễn tập; nguồn ngân sách, phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách; trang thiết bị, trang phục; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động ứng phó, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Việt Nam và vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tình huống sự cố, thiên tai cơ bản là các tình huống do thiên tai hoặc con người gây ra dẫn đến sự cố, tai nạn có nguy cơ đe dọa hoặc gây hậu quả tổn thất về người, phương tiện, tài sản, vật chất và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường cần thiết phải có các biện pháp kịp thời, thích hợp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Bao gồm:

a) Tai nạn tàu, thuyền trên biển;

b) Sự cố tràn dầu;

c) Sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí;

d) Sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư;

đ) Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản;

e) Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân, tán phát hóa chất độc và môi trường;

g) Sự cố động đất, sóng thần;

h) Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng;

i) Tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;

k) Sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ;

l) Sự cố cháy rừng;

m) Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các sự cố khác do thiên tai gây ra.

2. Hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là các biện pháp cần thiết, kịp thời, thích hợp để tìm kiếm, cứu người, cứu phương tiện, tài sản, vật chất, bảo vệ môi trường trong khu vực xảy ra sự cố nhằm giảm tới mức thấp nhất hậu quả do sự cố gây ra.

[...]