Kế hoạch 2653/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 2653/KH-UBND
Ngày ban hành 15/08/2022
Ngày có hiệu lực 15/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2653/KH-UBND

Kon Tum, ngày 15 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

- Huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường.

- Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.

- Hoàn thiện hệ thống kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.

- Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.

2. Yêu cầu:

- Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất và triển khai có hiệu quả Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ứng phó thảm họa động đất.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cơ quan, tổ chức và mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất; tăng cường tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực cho dân quân tự vệ, đội xung kích và các lực lượng khác, đảm bảo khả năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa kịp thời, hiệu quả.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH ĐỘNG ĐẤT, KHU VỰC ẢNH HƯỞNG

1. Tình hình động đất:

- Từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3.9 độ Richter và năm 2015 độ lớn 3.0 độ Richter.

- Từ tháng 4 năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn; đặc biệt ngày 18 tháng 5 năm 2022, tại huyện Kon Plông ghi nhận động đất có cường độ 4.5 độ Richter. Dự kiến trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắt giao thông. Đặc biệt, có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

2. Khu vực ảnh hưởng:

Khu dân cư ảnh hưởng của động đất: Xã Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Bút/huyện Kon Plông; số hộ dân phải sơ tán khoảng 900 hộ/1.512 khẩu.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Công tác phòng ngừa:

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân.

- Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó thảm họa động đất; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa động đất.

- Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng theo phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng ngành. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

b) Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp, hiệu quả.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thảm họa động đất tạo ra sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

- Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong việc ứng phó động đất; Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong chỉ đạo, điều hành, diễn tập ứng phó thảm họa động đất.

- Thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu, tư liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Có kế hoạch lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng phòng tránh động đất đưa vào chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc điểm thiên tai từng địa bàn.

c) Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư.

[...]