Kế hoạch 123/KH-UBND năm 2021 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 123/KH-UBND
Ngày ban hành 30/12/2021
Ngày có hiệu lực 30/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/KH-UBND

Bình Định, ngày 30 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 3807/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 07- CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025;

Trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2746/TTr- SGDĐT ngày 23/12/2021; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định (Kế hoạch); với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025.

2. Làm căn cứ để các sở, ngành, các địa phương tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện trong việc thực hiện nội dung tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

II. CÁC CHỈ TIÊU

Đến năm 2025:

1. 100% giáo viên và cán bộ quản lý các bậc mầm non, phổ thông đạt trình độ đào tạo chuẩn; trong đó 90% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, 05% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và 20% cán bộ quản lý và giáo viên bậc trung học phổ thông đạt trình độ trên chuẩn.

2. Duy trì vững chắc thành quả phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, hướng đến PCGD mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, PCGD tiểu học đạt mức độ 3, PCGD THCS đạt mức độ 2; xóa mù chữ đạt mức độ 2.

3. Mạng lưới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đạt chuẩn quy hoạch theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa; tăng tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 80%; nâng cao tỉ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên trên 65% (mầm non: 50%, tiểu học: 88%, THCS: 90%, THPT: 60%).

4. Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phổ thông: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (riêng các huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh đạt 30-35%).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường công tác tuyên truyền về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Tiếp tục tập trung tuyên truyền về chủ trương triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Kết luận số 51-KL/TW ngày 31/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương trong lĩnh vực GDĐT phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học trong quá trình triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 628/QĐ-TTg về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình hành động số 07- CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 3807/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh và Kế hoạch của ngành Giáo dục đến toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; trong đó tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên và toàn xã hội, tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, dự án hỗ trợ và nâng cao chất lượng giáo dục để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới quản lý nhà trường và phương pháp dạy học; tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân để hội nhập quốc tế.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GDĐT về nhiệm vụ từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021-2025;

Kịp thời phát hiện, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động GDĐT.

2. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các cấp học

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ GDĐT quy định về điều kiện đảm bảo và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD - XMC).

Tiếp tục đầu tư phát triển GDĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa với hệ thống trường, lớp học phát triển hài hòa, đồng bộ với từng bậc học, cấp học trên địa bàn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện mạng lưới trường mầm non, trường đạt chuẩn quốc gia, trường học 2 buổi/ngày để tạo điều kiện giữ vững và nâng cao chất lượng PCGD - XMC.

Tăng cường thực hiện các giải pháp đánh giá, giám sát, hỗ trợ tăng tỉ lệ huy động trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo đến trường; hạn chế tỉ lệ học sinh phổ thông bỏ học; tăng cường đầu tư các điều kiện bảo đảm để duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới PCGD cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi; PCGD tiểu học, PCGD THCS. Xây dựng Đề án PCGD trẻ mẫu giáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để sắp xếp, bố trí hợp lý đảm bảo yêu cầu sử dụng đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ nhà giáo các cấp; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp, làm cơ sở để sàng lọc, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ; thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và thu hút cán bộ, giáo viên giỏi về công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước.

[...]