Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 118/KH-UBND
Ngày ban hành 21/06/2022
Ngày có hiệu lực 21/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Cà Mau, ngày 21 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1163/QĐ-TTG NGÀY 13/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 111/QĐ-BCT ngày 27/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch thực hiện tại địa phương với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Chiến lược) trên địa bàn tỉnh Cà Mau đảm bảo phù hợp với quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.

- Phát triển mạng lưới thương mại tỉnh Cà Mau theo hướng văn minh, hiện đại, tăng trưởng nhanh, bền vững; đóng vai trò quan trọng trong định hướng, là điểm tựa cho sản xuất, phát triển theo tín hiệu thị trường; kết nối tiêu dùng, tạo chuỗi cung ứng để phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của tỉnh; gắn với phát triển đa dạng về loại hình tổ chức và phương thức hoạt động của các thành phần kinh tế; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để mở rộng mạng lưới kinh doanh; trong đó, quan tâm hơn đến thị trường nông thôn, hải đảo; phát huy được hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.

2. Yêu cầu

- Việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phải gắn với trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan; đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Phù hợp với quy luật khách quan và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đi đôi với hiệu quả đầu tư, gắn với quy mô, trình độ phát triển sản xuất và tiêu dùng ở từng giai đoạn; chú trọng xây dựng uy tín về sản phẩm và phát triển thương hiệu, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương. Có sự hài hòa, đồng bộ và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ hoạt động thương mại, nhất là phát triển được các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, xem thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại trong tình hình mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát huy vai trò, lợi thế hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh trong việc hình thành và mở rộng thị trường trong nước theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với quy mô, đặc điểm của tỉnh trong từng giai đoạn, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững; tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thương mại, dịch vụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; các cơ sở hạ tầng thương mại phát triển đáp ứng yêu cầu và xu hướng của thị trường.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2030

- Giá trị tăng thêm thương mại trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8 - 8,5%; đến năm 2030 đóng góp khoảng 11 - 13% vào GRDP của tỉnh.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 11 - 12%/ năm.

- Thương mại điện tử phát triển nhanh, áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đầy đủ, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giao dịch; đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DTDVTD); phấn đấu đạt trên 40% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

- Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại; tích cực áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành hoạt động thương mại.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên địa bàn tỉnh; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

b) Giai đoạn 2031-2045

- Giá trị tăng thêm thương mại trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,0%; đến năm 2045 đóng góp khoảng 12,5 - 13,5% vào GRDP của tỉnh.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 10-11,5%/ năm.

- Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại; đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15-16% TMBLHH&DTDVTD; phấn đấu đạt trên 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển theo hướng hiện đại hóa, được dán nhãn công trình thương mại xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ...; phấn đấu đạt trên 80% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa; hạ tầng thương mại khu vực nông thôn phát triển đầy đủ theo quy hoạch, các loại hình hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại chiếm số lượng lớn, dần đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hóa trên thị trường.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo đúng cơ chế thị trường và cam kết quốc tế

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

[...]