Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2022 thực hiện “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 07/KH-UBND
Ngày ban hành 10/01/2022
Ngày có hiệu lực 10/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-UBND

Cà Mau, ngày 10 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC KINH DOANH TIÊU THỤ NÔNG SẢN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 ” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời, hiệu quả Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 05/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực tế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, trong đó ưu tiêu phát triển tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện, trình độ, đặc điểm phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương; đồng thời, nghiên cứu bổ sung, ban hành chính sách mới, chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, gắn kết các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản phát triển bền vững từ khâu cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản đầu ra cho nông dân.

- Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với các tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.

- Củng cố, phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như trung gian cần thiết giữa người nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và thương mại để tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra cho nông dân.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin

- Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và các chính sách về phát triển nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh được biết, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.

- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh về nhu cầu, yêu cầu chất lượng đối với từng loại nông sản của thị trường trong nước và các nước nhập khẩu để doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

2. Phát triển liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản

- Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản để kịp thời thực hiện hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với thực tế; nhằm khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, phát triển các chuỗi giá trị, bảo đảm lợi ích của các chủ thể tham gia từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70- KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

- Tăng cường liên kết vùng, phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ để tổ chức các hoạt động kết nối hàng năm theo các cam kết ghi nhớ hợp tác đã ký kết; mở rộng kết nối với các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Bắc để trao đổi nguồn hàng và nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa được sản xuất, đa dạng nguồn hàng, giá cả phù hợp, mở rộng thị phần tiêu thụ.

- Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị trên diện tích đất canh tác, xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển một số sản phẩm chủ lực theo chuỗi sản phẩm và an toàn thực phẩm; nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi theo quy mô tập trung.

- Tăng cường quản lý quy trình sản xuất nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn thực phẩm, tiến tới sản xuất sản phẩm hữu cơ, đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng đủ tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu như VietGap, GlobalGap...

3. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hoạt động thương mại

- Tổ chức đánh giá kết quả triển khai quy hoạch hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, đề xuất các nội dung quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn tiếp theo để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tạo cơ sở pháp lý định hướng thu hút các nguồn lực xã hội phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nói chung và phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản nói riêng.

- Đồng thời, đầu tư phát triển một số chợ gắn với phát triển kinh tế ban đêm, phát triển du lịch ở những khu vực, địa điểm phù hợp , tạo dựng thêm các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản và sản phẩm OCOP của tỉnh.

- Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án hạ tầng logistics nhằm phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, kho, bến bãi tại các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng logistics có tính đa dạng kết hợp bốc xếp, kho bãi, vận chuyển, đóng gói và hỗ trợ đa dạng hóa các dịch vụ.

- Triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng mới, nâng cấp trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… theo hướng văn minh, hiện đại tại trung tâm các huyện, thành phố, khu vực đông dân cư. Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, các chương trình, đề án để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các chợ tại vùng nông thôn, phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản và giống vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

[...]